Đây là buổi nói chuyện chuyên đề được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức với sự tham dự của Tổng giám đốc Petrovietnam Đỗ Văn Hậu, các đồng chí trong Đảng ủy, Hội đồng Thành viên, Ban Tổng giám đốc Petrovietnam; trưởng các ban chuyên môn của Tập đoàn.
PGS.TS Trần Đình Thiên trình bày chuyên đề "Nền kinh tế Việt Nam trong thời đại ngày nay".
PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, thành quả gần 30 năm đổi mới là Việt Nam đã thoát khỏi nước nghèo. Nhưng "dường như Việt Nam chỉ có năng lực giảm nghèo, không có năng lực làm giàu" - PGS.TS Trần Đình Thiên nhận định.
Tại hội thảo, PGS.TS Trần Đình Thiên nêu ra những vấn đề của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là nền kinh tế giá trị gia tăng thấp, phụ thuộc vào khai thác tài nguyên thiên nhiên; công nghiệp chủ yếu gia công, lắp ráp. "Việt Nam có kết cấu công nghiệp lệch chuẩn, không có công nghiệp hỗ trợ, không thể kết nối mạng - chuỗi toàn cầu" - PGS.TS Trần Đình Thiên cho biết thêm.
Một thực tế là Việt Nam đã có giai đoạn tăng trưởng nóng dựa vào nguồn vốn quá dễ, đồng thời lạm phát cao và rủi ro lớn. Do có nguồn vốn dễ nên quy mô nền kinh tế phát triển rất nhanh: GDP 2011 đạt 120 tỉ USD, 100 cảng biển, trong đó có 20 cảng quốc tế; hơn 100 ngân hàng thương mại, hàng trăm công ty tài chính, công ty chứng khoán; 22 sân bay, trong đó có 8 sân bay quốc tế (Nhật Bản chỉ có 4 sân bay quốc tế); 15 khu kinh tế ven biển, 28 khu kinh tế cửa khẩu, 2 khu chế xuất, 285 khu công nghiệp, 670 cụm công nghiệp... Trong 11 năm từ 1998 - 2009, Việt Nam có thêm 304 trường ĐH, CĐ, Học viện - trung bình mỗi tháng thêm 2,5 trường/tháng.
Lãnh đạo Petrovietnam nghe chuyên đề kinh tế Việt Nam trong thời đại ngày nay
Nền kinh tế Việt Nam có những "cục máu đông" như nợ xấu, hàng tồn kho, nhà ở ế. Và nền kinh tế Việt Nam phải "trả giá" cơn say tăng trưởng là nền kinh tế gãy lưng vì nợ. Theo tính toán thì mỗi năm nền kinh tế phải trả từ 24 - 25 tỉ USD lãi suất. Trong 2 năm 2011 - 2012 có đến 110 nghìn doanh nghiệp đóng cửa, nửa triệu doanh nghiệp giảm 30% công suất hoạt động.
PGS.TS Trần Đình Thiên nêu bật một thực trạng nữa là hệ thống thị trường không đồng bộ, môi trường kinh doanh méo mó. Bức tranh tổng quát cho thực trạng này là thực tiễn phát triển các thị trường không phù hợp, chỉ chú trọng phát triển các thị trường đầu cơ, phục vụ người có tiền (thị trường chứng khoán, bất động sản); bỏ rơi các thị trường cơ sở như đất đai, lao động...
Bên cạnh đó, PGS.TS Trần Đình Thiên cũng nêu ra những nguyên nhân làm hạn chế phát triển của nền kinh tế Việt Nam, đó là: cấu trúc sai chức năng của các lực lượng chủ thể thị trường, nền kinh tế thị trường yếu kém; tầm nhìn, năng lực quản trị còn hạn chế.
Đứng trước thực trạng đó, PGS.TS Trần Đình Thiên nhận định, Việt Nam phải trở lại với những ý tưởng đổi mới ở tầm thế mới. Cụ thể, giải quyết vấn đề ruộng đất, cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước, xây dựng các khu vực kinh tế đầu tàu với thể chế hiện đại.
Quan trọng nhất, nền kinh tế Việt Nam phải định dạng lại mô hình tăng trưởng mới, tránh và thoát khỏi bẫy như nhập trung bình. Và những việc phải làm ngay là giải tỏa "2 cục máu đông" nợ xấu và tồn kho. Đồng thời tăng mức độ chịu trách nhiệm của khu vực kinh tế tư nhân.
Trong bối cảnh nền kinh tế đang trong giai đoạn tái cấu trúc, thì những tập đoàn kinh tế hàng đầu phải tiên phong thúc đẩy ngành kinh tế đó phát triển, đồng thời phải có tính dẫn dắt cho các ngành kinh tế khác tăng trưởng.
Buổi nói chuyện chuyên đề đã cung cấp cho cán bộ lãnh đạo Petrovietnam những kiến thức chuyên sâu về nền kinh tế Việt Nam.
Cuối cùng, thay mặt lãnh đạo Petrovietnam, Phó tổng giám đốc Petrovietnam Lê Minh Hồng cảm ơn bài giảng của PGS.TS Trần Đình Thiên đã cung cấp cho cán bộ lãnh đạo Tập đoàn những kiến thức chuyên sâu về nền kinh tế Việt Nam. Qua đây, Petrovietnam thấy rõ được trách nhiệm của mình trong nền kinh tế, phấn đấu đưa Tập đoàn vươn lên phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Đức Chính (PVC.VN)