Loạt bài PetroTimes: Phát triển điện gió ngoài khơi Việt Nam - Những gợi mở từ Na Uy
Ngày đăng: 31/10/2024

Bài 1: Việt Nam có thể trở thành trung tâm chuỗi cung ứng cho điện gió ngoài khơi tại châu Á - Thái Bình Dương

Thị trường điện gió ngoài khơi Việt Nam được đánh giá là đầy hứa hẹn, với tốc độ gió cao hàng đầu thế giới và điều kiện đáy biển thuận lợi. Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng đang được ngành Dầu khí trong nước sử dụng, kết hợp với cơ sở hạ tầng điện gió trên bờ và gần bờ hiện có, có tiềm năng hỗ trợ phát triển lĩnh vực điện gió ngoài khơi trong nước. Đơn đặt mua các bộ phận trong cấu trúc điện gió ngoài khơi gần đây từ các thị trường quốc tế báo hiệu sự khởi đầu đầy hứa hẹn để Việt Nam trở thành một trung tâm chuỗi cung ứng cho điện gió ngoài khơi tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

điện gió ngoài khơi
Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm chuỗi cung ứng cho điện gió ngoài khơi ở châu Á - Thái Bình Dương (Ảnh minh họa)

Hạ tầng đủ để phát triển điện gió ngoài khơi

Nghiên cứu của Na Uy về phát triển chuỗi cung ứng công nghiệp điện gió ngoài khơi đã đưa ra các đánh giá tại Việt Nam về cơ sở hạ tầng cảng nhằm cung cấp hiểu biết về cơ sở hạ tầng hàng hải hiện có của Việt Nam và đưa ra định hướng phát triển cảng trong tương lai, đồng thời xác định khả năng hỗ trợ hậu cần và vận hành các dự án điện gió ngoài khơi; Đánh giá nhà cung cấp trong nước nhằm xác định các nhà cung cấp trong nước có khả năng cung cấp các bộ phận cho trang trại điện gió ngoài khơi. Tập trung vào chế tạo móng, trụ, vỏ bọc và các lĩnh vực nổi bật cần cải thiện, từ đó cho phép các nhà cung cấp đáp ứng các nhu cầu đã có và đang ngày càng tăng đối với các bộ phận trong cấu trúc điện gió ngoài khơi.

Mặt khác, nghiên cứu chỉ ra rằng công nghiệp điện gió ngoài khơi sẽ tạo việc làm khá lớn (thu nhập trung bình cao) sẽ tác động đến kinh tế - xã hội ở phương diện tạo thêm việc làm trong tương lai do phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.

Tài liệu phân tích này đã xác định các cảng phù hợp để lắp ráp, dựng và vận chuyển móng và các bộ phận của tua bin gió. Việc phân tích được dựa trên nhiều yếu tố khác nhau như không gian sẵn có của cảng, độ sâu của nước, khả năng neo đậu, thiết bị nâng, khả năng tiếp cận và mức độ sẵn sàng tổng thể của cơ sở hạ tầng trong việc xử lý các bộ phận như vỏ, cánh quạt, trụ và móng. Kết quả là đã xác định được các cảng có tiềm năng hỗ trợ phát triển điện gió ngoài khơi.

Các cảng ở khu vực phía Bắc, bao gồm cả các cảng ở cụm cảng Hải Phòng, đang cho thấy năng lực thấp trong việc hỗ trợ ngành điện gió ngoài khơi, đòi hỏi đầu tư cao hơn và thời gian phát triển dài hơn. Người ta nhận thấy rằng chiều cao có hạn của nhiều nhà máy đóng tàu nổi tiếng ở miền Bắc sẽ hạn chế đáng kể việc vận chuyển móng. Hạn chế về chiều cao kết hợp với vị trí địa lý gần các nơi sản xuất linh kiện điện và cáp (Công ty Cổ phần Cáp điện và Hệ thống LS-VINA, Công ty TNHH GE Việt Nam và Công ty TNHH ABB Automation and Electrification (Việt Nam) khiến các nhà máy này lý tưởng cho việc phát triển các thành phần phức tạp nhỏ hơn như dây chuyền lắp ráp tua bin gió phát điện (WTG) hoặc các thành phần của trạm biến áp ngoài khơi (OSS) trong tương lai. Cuối cùng, các cảng này cũng có thể tận dụng kinh nghiệm đóng tàu có bề dày của mình để đóng các tàu chuyên dụng cho điện gió ngoài khơi.

Các cảng ở khu vực phía Nam có điều kiện thuận lợi để xây dựng các bộ phận lớn hơn, rất có thể là do ảnh hưởng bởi sự hiện diện từ lâu của ngành Dầu khí. Một địa điểm đáng chú ý là cụm cảng Vũng Tàu, nơi Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) đang tiên phong trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi. Khu vực cạnh bến cảng và sân bãi ùn tắc do hoạt động dầu khí ở Vũng Tàu có thể cản trở hoạt động tập kết để phát triển trong tương lai. Cụm cảng Thị Vải cũng có thể đóng vai trò là trung tâm sản xuất và lắp ráp do có sự hiện diện của các cơ sở sản xuất lớn cho trụ điện gió và móng thép lớn (CS Wind và SREC).

Trong tương lai, cụm cảng này cũng có tiềm năng phát triển về sản xuất móng đơn. Để thúc đẩy phát triển năng lực chuỗi cung ứng nội địa, các cảng phía Nam cần tiếp tục bồi dưỡng năng lực sản xuất móng và trụ. Các cảng ở Vũng Tàu cần thống nhất phối hợp hành động, để nâng cao năng lực và hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất. Việc các cảng phối hợp trong các hoạt động khác nhau là rất cần thiết và cho phép tối ưu hóa các hoạt động hậu cần, đảm bảo thực hiện liền mạch các dự án.

Cảng Vũng Tàu được đánh giá đủ khả năng chế tạo, cung cấp chân đế, lắp đặt cột thu gió ngoài khơi

Các nhà cung cấp đang do dự đầu tư vào điện gió ngoài khơi Việt Nam

Bản báo cáo của Na Uy cho rằng các nhà cung cấp trong nước đã được phân tích để đánh giá tiềm năng hỗ trợ các dự án điện gió ngoài khơi dựa trên khả năng hiện có và sự sẵn sàng hỗ trợ các dự án phụ thuộc nhiều vào cơ sở hạ tầng kiểu này. Nghiên cứu xác định, các nhà cung cấp trong nước đã từng hỗ trợ các dự án điện gió ngoài khơi hoặc đã công bố kế hoạch tham gia chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi. Phân tích tập trung vào kinh nghiệm, khả năng sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng và kế hoạch mở rộng trong tương lai của nhà cung cấp.

Còn bản đánh giá các nhà cung cấp chỉ ra rằng năng lực sản xuất móng và trụ hiện tại của Việt Nam có thể đáp ứng các yêu cầu cụ thể về điện gió ngoài khơi. Tuy nhiên, do nhu cầu trong nước, kéo theo là trong khu vực, được dự đoán là sẽ tăng, nên cơ sở hạ tầng hiện tại sẽ không thể đáp ứng việc cung cấp các bộ phận chính như cánh và vỏ của WTG. Nguyên nhân chủ yếu là do các nhà sản xuất thiết bị gốc cho WTG vẫn chưa xác nhận kế hoạch thành lập các cơ sở sản xuất như vậy tại Việt Nam.

Đáng lưu ý, các nhà cung cấp thừa nhận rằng các quyết định đầu tư của họ liên quan chặt chẽ tới sự phát triển của thị trường điện gió ngoài khơi ở Việt Nam và thị trường này cần được đảm bảo bằng một lộ trình dự án nhất quán. Một lộ trình dự án nhất quán là nền tảng cho sự phát triển của chuỗi cung ứng và cơ sở hạ tầng điện gió ngoài khơi trong nước.

Một yếu tố quan trọng khác có thể góp phần phát triển chuỗi cung ứng trong nước là hoàn thiện khung pháp lý cụ thể về điện gió ngoài khơi. Việt Nam, tính đến thời điểm thực hiện báo cáo này, vẫn chưa thiết lập được khung pháp lý như thế, dẫn đến các chủ đầu tư không sẵn sàng hợp tác với các nhà cung cấp trong nước và cam kết đầu tư vào cơ sở hạ tầng nội địa.

Các nhà cung cấp hiện mới đang thực hiện các bước sơ bộ để khởi động sự phát triển chuỗi cung ứng trong nước, tiến hành nghiên cứu thị trường, thiết lập mối quan hệ với các nhà cung cấp trong nước khác, thúc đẩy quan hệ và hợp tác, cũng như thúc đẩy năng lực điện gió ngoài khơi của họ thông qua các sáng kiến tiếp thị và thành lập văn phòng đại diện kinh doanh.

Công nghiệp điện gió ngoài khơi sẽ tạo ra nửa triệu việc làm mới

điện gió ngoài khơi
Ngành công nghiệp năng lượng, điện gió ngoài khơi có thể tạo ra 55.000 việc làm trong thời gian ngắn. (Ảnh minh họa)

Các dự án điện gió ngoài khơi mang đến cơ hội việc làm xuyên suốt toàn bộ vòng đời của dự án, trải dài từ các giai đoạn phát triển, cho đến xây dựng và vận hành. Phân tích chỉ ra tiềm năng đầy hứa hẹn trong việc tạo ra nhiều việc làm chất lượng cao, mang lại cơ hội chuyển giao công nghệ và trao đổi/chia sẻ kiến thức. Nhân sự trong nước có thể được huy động vào nhiều vị trí khác nhau trong ngành điện gió ngoài khơi, chẳng hạn như kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật điện, chuyên môn về môi trường và quản lý dự án. Khi lĩnh vực điện gió ngoài khơi tiếp tục phát triển, tiềm năng tạo ra việc làm trực tiếp, việc làm gián tiếp và việc làm phát sinh sẽ tăng lên.

Ước tính rằng sẽ có khoảng 55.000 việc làm trực tiếp, gián tiếp và phát sinh, được tạo ra trong quá trình phát triển công suất điện gió ngoài khơi 6 GW như được trình bày trong Quy hoạch điện VIII. Sự phát triển này có thể tạo ra hai ngành công nghiệp năng lượng tái tạo liên vùng, ở phía Bắc và phía Nam, với các trung tâm dịch vụ liên quan.

Trọng tâm cụ thể là các hoạt động sản xuất, dịch vụ, nghiên cứu và đào tạo, cũng như vận hành và bảo trì. Các tỉnh thành trọng điểm có thể được hưởng lợi từ việc phát triển dự án điện gió ngoài khơi là Quảng Ninh, Hải Phòng ở phía Bắc và TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Bình Thuận và Ninh Thuận ở phía Nam.

Khuyến nghị từ Na Uy chỉ ra rằng tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam mang đến cơ hội đặc biệt để phát triển cơ sở hạ tầng điện gió ngoài khơi và chuỗi cung ứng quốc gia. Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm sản xuất, hỗ trợ ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi ở quy mô rộng hơn trong khu vực. Tuy nhiên, thông qua tương tác với các nhà cung cấp, nghiên cứu đã chỉ ra rằng các nhà cung cấp đang do dự trong việc mở rộng năng lực hiện tại vì lộ trình các dự án không rõ ràng và chủ yếu được thúc đẩy bởi "mong muốn" đẩy mạnh năng lượng gió ngoài khơi của Chính phủ.

Na Uy và Việt Nam đều có đường bờ biển dài, nguồn lợi gió dồi dào. Doanh nghiệp Na Uy có nhiều năm kinh nghiệm và sở hữu các công nghệ tiên tiến trong phát triển điện gió ngoài khơi; vận tải biển xanh; lưu trữ carbon; hydrogen, truyền tải điện...

Bài 2: Cần xây dựng khung pháp lý mạnh mẽ, rõ ràng và vững chắc cho phát triển điện gió ngoài khơi

Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển điện gió ngoài khơi

Năng lượng gió ở Việt Nam có tiềm năng phát triển như một giải pháp thay thế nhiệt điện bởi nước ta có điều kiện tự nhiên thuận lợi phát triển điện gió ngoài khơi. Với đường bờ biển trải dài hơn 3.000 km và tốc độ gió trung bình cao liên tục, Việt Nam có nhiều cơ hội để mở rộng công suất điện gió lắp đặt.

Với độ sâu nước biển, khoảng cách tới bờ phù hợp và tài nguyên gió ngoài khơi tốt, diện tích lãnh hải rộng lớn của Việt Nam rất thích hợp cho việc phát triển điện gió ngoài khơi. Ngoài ra, Việt Nam tự hào có sẵn chuỗi cung ứng trong các ngành công nghiệp tương đương, có sự tương thích với năng lượng gió ngoài khơi, bao gồm dầu khí và điện gió trên đất liền. Điều này cho thấy Việt Nam có tiềm năng tận dụng kinh nghiệm hiện có trong các ngành công nghiệp tương đương để cung cấp và tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các dự án điện gió ngoài khơi.

Bài 2: Việt Nam có thể trở thành trung tâm trong chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi
Việt Nam có đủ hạ tầng để trở thành trung tâm chuỗi giá trị công nghiệp điện gió ngoài khơi ở châu Á (Ảnh minh họa)

Xét đến vị trí thuận lợi trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, giao thông hàng hải và cơ sở hạ tầng cảng, Việt Nam cũng có tiềm năng trở thành trung tâm chuỗi cung ứng các bộ phận trong cấu trúc điện gió ngoài khơi, đặc biệt trong các lĩnh vực như: Gia công móng jacket; Sản xuất trụ; Lắp ráp vỏ bọc tuabin.

Các thành phần của điện gió ngoài khơi, tuabin gió ngoài khơi thu năng lượng gió của đại dương để biến thành điện tái tạo. Các tuabin gió ngoài khơi tạo ra điện và truyền tải điện đến trạm biến áp ngoài khơi thông qua các tuyến cáp ngầm liên chuỗi. Sau đó, điện được truyền từ trạm biến áp ngoài khơi đến trạm biến áp trên bờ thông qua cáp ngầm xuất điện, nơi điện được chuyển đến mạng lưới điện hiện có.

Vào ngày 15/5/2023, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) được ban hành. Đây là kết quả của nhiều dự thảo, bản sửa đổi và trì hoãn kéo dài gần ba năm. Việc phê duyệt Quy hoạch điện VIII càng nhấn mạnh sự cam kết của Việt Nam đối với năng lượng tái tạo và phát triển điện gió ngoài khơi trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bước đi quan trọng này dự kiến sẽ thúc đẩy làn sóng đầu tư và tăng trưởng mới trong thị trường điện trong nước, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo trong thời gian tới.

Đặc biệt, Chính phủ đã đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng về công suất điện gió ngoài khơi, nhắm tới đạt 6 GW vào năm 2030 theo Quy hoạch điện VIII và tầm nhìn đến năm 2050 sẽ đạt từ 70-90,5 GW, nhận thấy tiềm năng của điện gió sẽ góp phần to lớn vào các nỗ lực giảm thiểu sự biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước. Đó là một trong những lý do khiến thị trường này hiện đang bùng nổ các hoạt động phát triển với nhiều dự án đang diễn tiến ở giai đoạn phát triển ban đầu, ví dụ như đánh giá địa điểm và lập kế hoạch giai đoạn đầu.

Theo Quy hoạch điện VIII, khu vực Bắc Bộ, Nam Trung Bộ và Nam Bộ nổi bật là những khu vực có tiềm năng lớn trong phát triển điện gió ngoài khơi. Đặc điểm tự nhiên - kinh tế - xã hội của các vùng này tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển trung tâm năng lượng tái tạo trong giai đoạn trước mắt tới năm 2030. Vào tháng 9/2021, Đại sứ quán Na Uy và Equinor đã công bố một nghiên cứu về chuỗi cung ứng hiện thời và tiềm năng trong tương lai ở Việt Nam, trong đó đánh giá các cảng và cơ sở hạ tầng khác về khả năng đóng góp vào sự phát triển xa hơn của chuỗi cung ứng hiện thời.

Lộ trình đưa các dự án điện gió ngoài khơi vào vận hành

Trên cơ sở Quy hoạch điện VIII được phê duyệt gần đây và nhằm hiểu rõ hơn về năng lực hiện tại của chuỗi cung ứng trong nước tại Việt Nam, dựa trên nghiên cứu đã tiến hành trước đó, Thương vụ Na Uy và Đại sứ quán Na Uy tại Hà Nội đã ủy quyền OWC điều tra thêm về mức độ sẵn sàng của các cảng và các nhà cung cấp nội địa trong việc hỗ trợ ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi mới nổi. Mục tiêu chính của nghiên cứu này là thiết lập các dự án điện gió ngoài khơi giả định, mỗi dự án có công suất 1 GW, để hiểu được yêu cầu về chuỗi cung ứng, cũng như những hạn chế về mặt cơ sở hạ tầng của chuỗi cung ứng hiện nay mà có thể tồn tại trong các dự án này.

Bài 2: Việt Nam có thể trở thành trung tâm trong chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi
Công trường thi công chân đế điện gió ngoài khơi tại cảng PTSC.

Vì mục đích của nghiên cứu này, đã có hai dự án được giả định, một dự án 1 GW nằm ở phía Bắc (do có vị trí gần nơi có nhu cầu năng lượng lớn) và một dự án khác ở phía Nam (do có tốc độ gió thuận lợi). Phạm vi của nghiên cứu được giới hạn ở 2 GW và có sự phân định Bắc - Nam chung chung, nhằm mang lại nhận định khái quát về các hạn chế và yêu cầu đối với cơ sở hạ tầng trong nước và chuỗi cung ứng cho các dự án điện gió ngoài khơi.

Theo lộ trình kịch bản 1, để đạt được COD vào năm 2030, nghiên cứu đã giả định như sau: Chính phủ chủ động đẩy nhanh quá trình phát triển các dự án điện gió ngoài khơi; Các cảng và nhà cung cấp sẽ không có nhiều thời gian để thực hiện bất kỳ công tác nâng cấp nào; Cơ sở hạ tầng hiện tại sẽ phải nhập khẩu thiết bị/vật liệu và thiết lập quan hệ đối tác với các nhà cung cấp có kinh nghiệm để có thể chia sẻ kiến thức; Các nhà phát triển trang trại điện gió ngoài khơi có thể phải thuê ngoài các thành phần chính vì cơ sở hạ tầng hiện tại chưa sẵn sàng 100% để hỗ trợ công suất 2 GW.

Còn theo lộ trình kịch bản 2, để đạt được COD vào năm 2035, nghiên cứu đã giả định như sau: Các cảng và nhà cung cấp sẽ có đủ thời gian để nâng cấp cơ sở vật chất; Các cơ sở sản xuất trong chuỗi cung ứng đã được thành lập, cho phép các nhà phát triển có thể mua tất cả các thành phần chính cần thiết ngay trong nước; Các cơ sở cảng đã đủ điều kiện cho công tác dàn dựng, lắp ráp và xây dựng các bộ phận trong cấu trúc điện gió ngoài khơi; Chuỗi cung ứng sẽ sẵn sàng vào cuối năm 2031, tạo điều kiện cho việc xây dựng các dự án điện gió ngoài khơi trong khoảng 2032-2033.

Để đáp ứng nhu cầu của các kịch bản giả định, trong các kịch bản thời gian vận hành thương mại vào năm 2030 và 2035, nghiên cứu của Đại sứ quán Na Uy khuyến nghị cần xem xét các hành động sau đây: Tăng cường cơ sở hạ tầng lưới điện để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tích hợp các nguồn tái tạo không liên tục như năng lượng gió ngoài khơi, cần thực hiện các bước quan trọng bao gồm nâng cấp cơ sở hạ tầng lưới điện và áp dụng các giải pháp dự trữ năng lượng; Chính phủ nên đưa ra các biện pháp khuyến khích để thúc đẩy phát triển các cảng biển nước sâu phù hợp với năng lượng gió ngoài khơi.

Nghiên cứu còn nhấn mạnh rằng: “Sự tham gia của giới học thuật và ngành công nghiệp là rất quan trọng đối với sự phát triển lâu dài của bản thân ngành và chuỗi cung ứng của ngành điện gió ngoài khơi”. Đây là những khoản đầu tư dài hạn nhằm cung cấp kỹ năng và nhân sự để duy trì sự phát triển của năng lượng tái tạo trên quy mô rộng hơn. Chính phủ sẽ cần đầu tư vào các khóa học đại học chuyên môn và các chương trình có liên kết với ngành điện gió ngoài khơi để phát triển các kỹ năng liên quan.

Na Uy cho rằng, cần cải thiện khung chính sách điện gió ngoài khơi: Để nâng cao triển vọng của các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam, Quốc hội cần ban hành luật hoặc hướng dẫn các cơ quan chức năng xây dựng khung pháp lý mạnh mẽ, rõ ràng và vững chắc cho điện gió ngoài khơi.

Bài 3: Để phát triển chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi một cách hợp lý

Để phát triển ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi, mỗi quốc gia cần sớm có quyết định về địa điểm phù hợp, thuận lợi, hội tụ những lợi thế để sản xuất, kinh doanh lâu dài. Tại Việt Nam, nghiên cứu của Đại sứ quán Na Uy về điện gió ngoài khơi cho rằng có thể được chia tành hai vùng chính: miền Bắc và miền Nam.

z5058297510386_616c27eb0606b19d076fe65f8d164cd0.jpg
Công trường thi công chân đế điện gió ngoài khơi tại cảng PVC-MS, Vũng Tàu.

Trong những năm 2018-2021, năng lượng tái tạo ở Việt Nam có sự tăng trưởng đáng kể, với hầu hết các dự án tập trung ở Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Trong khi đó, miền Bắc chủ yếu phát triển các dự án thủy điện, nhiệt điện, trong đó có nhiều dự án chậm tiến độ so với kế hoạch. Điều này đã dẫn tới những khó khăn, thách thức trong quá trình vận hành hệ thống điện quốc gia.

Để giảm thiểu nguy cơ thiếu điện, đặc biệt trong thời kỳ nắng nóng ở khu vực phía Bắc, cần đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng tái tạo tại khu vực này. Ngoài ra, đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương,...), trung tâm tiêu thụ điện năng, cần phải tận dụng tiềm năng điện gió ngoài khơi, hướng tới sự phát triển cân bằng giữa nguồn - phụ tải, cũng như giảm thiểu tình trạng truyền tải điện năng đi xa.

Quy hoạch điện VIII khuyến khích tăng cường phát triển các nguồn năng lượng tái tạo ở khu vực phía Bắc cho đến năm 2030. Cảng biển Hải Phòng, Quảng Ninh hiện chuyên cung cấp dịch vụ đóng tàu. Đây là địa điểm vô cùng phù hợp cho hoạt động nghiên cứu, tiếp nhận chuyển giao công nghệ, sản xuất các sản phẩm cơ khí chế tạo và cung cấp thiết bị cho các nhà máy điện sử dụng năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió ngoài khơi.

Khu vực phía Nam/Nam Trung Bộ có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo rất lớn, đặc biệt là khu vực tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Ngoài việc có tốc độ gió cao và điều kiện đáy biển lý tưởng để lắp đặt móng điện gió ngoài khơi, Ninh Thuận còn có tiềm năng phát triển các cảng quốc tế để phục vụ ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi.

Ngoài ra, Ninh Thuận và Bình Thuận là khu vực lân cận với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương), trung tâm tiêu thụ điện năng. Do đó, việc tận dụng tiềm năng hiện có từ các nguồn năng lượng tái tạo ở khu vực phía Nam/Nam Trung Bộ và tránh truyền tải điện năng đi xa đã trở thành chìa khóa quan trọng trong những bước phát triển mới của ngành năng lượng tái tạo.

Mặc dù các cảng biển ở khu vực Nam Trung Bộ chủ yếu đang trong giai đoạn phát triển theo định hướng quốc tế, cảng TP Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu từ lâu đã chuyên về đóng tàu, chế tạo thiết bị dầu khí và hàng hải quy mô lớn cũng như tàu thuyền. Gần đây, họ đã nhận thầu sản xuất các bộ phận trong cấu trúc điện gió ngoài khơi (bao gồm móng jacket và trạm biến áp ngoài khơi). Điều này không chỉ chứng minh cho khả năng hiện tại mà còn là bước đầu để xây dựng chuỗi cung ứng trong ngành điện gió ngoài khơi. Nhờ vào cơ sở hạ tầng sản xuất dầu khí hiện có, khu vực phía Nam có khả năng phát triển nhanh chóng hơn theo đúng kịch bản 1 - hoàn thành và đưa vào vận hành dự án điện gió ngoài khơi vào năm 2030.

Việc phát triển trang trại điện gió ngoài khơi đòi hỏi các chuỗi cung ứng phức tạp. Các bộ phận thường được sản xuất tại nhiều nơi trên thế giới và sẽ được vận chuyển bằng các tàu chuyên dụng, do đó đòi hỏi phải có cơ sở hạ tầng cảng biển đủ mạnh cũng như kỹ năng chuyên môn vững vàng. Việt Nam sở hữu cơ sở hạ tầng cảng biển vững chắc với các kỹ năng trong nhiều lĩnh vực công nghiệp khác nhau (chế tạo kết cấu thép, năng lượng tái tạo và dầu khí).

Chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi
PTSC thực hiện công tác lắp đặt cáp ngầm cho dự án điện gió Tân Thuận.

Ngoài đánh giá ban đầu về chuỗi cung ứng hiện tại, cũng cần lưu ý rằng một vài lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển hơn so với những lĩnh vực khác. Nhưng nghiên cứu của Na Uy chỉ tập trung đánh giá vào việc phát triển chuỗi cung ứng để triển khai các dự án giả định được trình bày trong các kịch bản. Đánh giá này hiện chưa hoàn toàn xem xét đến nhu cầu cung ứng các bộ phận này trong khu vực và quốc tế. Khi xem xét các cơ hội rộng mở hơn, có thể thấy rằng chuỗi cung ứng toàn cầu cho các bộ phận quan trọng như cáp ngầm đang bị hạn chế, nhưng cũng có thể mở ra tiềm năng lớn.

Nghiên cứu của Đại sứ quán Na Uy chỉ ra rằng, việc hoàn thành mục tiêu đúng thời hạn của kịch bản năm 2030, cần hoàn thiện khung pháp lý và tài chính của ngành điện gió ngoài khơi sớm nhất có thể vào năm 2025-2026. Còn theo kịch bản năm 2035, nhiệm vụ này có thể được hoàn thiện vào một thời điểm muộn hơn, nhưng muộn nhất nên được hoàn thành vào năm 2030. Việc thiết lập được khung chính sách minh bạch về cơ sở hạ tầng sẽ xây dựng được niềm tin vững chắc cho các nhà đầu tư nước ngoài, cũng như những nhà phát triển và nhà cung cấp về thị trường Việt Nam, từ đó nâng cao động lực đầu tư vào ngành.

Tuy nhiên, chỉ thiết lập một khung chính sách cụ thể về ngành điện gió ngoài khơi là chưa đủ. Chính phủ Việt Nam sẽ cần hợp tác với các đơn vị vận hành Hệ thống truyền tải (TSO) trong nước và các bên liên quan trong chuỗi cung ứng, ví dụ như các cảng, để nắm được thông tin về những rào cản hiện tại. Hiểu rõ những rào cản về cơ sở hạ tầng lưới điện hoặc cảng hiện tại là yếu tố vô cùng quan trọng, vì điều này có thể ảnh hưởng đến việc triển khai dự án điện gió ngoài khơi một cách hiệu quả và kịp thời. Đối với kịch bản năm 2030, cơ sở hạ tầng lưới điện hiện tại sẽ cần được nâng cấp và cơ sở hạ tầng cảng cũng cần được cải thiện một phần.

Nhìn chung, để phát triển chuỗi cung ứng trong nước một cách hợp lý, Nghiên cứu đưa ra gợi ý Chính phủ nên hợp tác song song với các bên liên quan về điện gió ngoài khơi nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển một lộ trình dự án điện gió ngoài khơi phong phú, góp phần phát triển cơ sở hạ tầng chuỗi cung ứng toàn diện.

Ngân hàng Thế giới (WB) nhìn nhận, tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam là vào khoảng 600 GW, triển vọng nguồn năng lượng này có thể cung cấp 12% tổng sản lượng điện quốc gia vào 2035. WB cũng lưu ý về việc Việt Nam thu hút sự quan tâm của quốc tế với các kế hoạch năng lượng tái tạo nhưng chính sách chậm trễ khiến một số nhà đầu tư tiềm năng xem xét lại kế hoạch.

Bài 4: Lựa chọn phát triển cảng điện gió ngoài khơi như thế nào?

Cảng điện gió ngoài khơi đóng vai trò trọng điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng xây dựng, triển khai các dự án điện gió ngoài khơi. Việt Nam hội tụ đủ các điều kiện để phát triển các cụm cảng, cảng chuyên biệt cho ngành công nghiệp điện gió.

Kinh nghiệm lựa chọn cảng điện gió ngoài khơi

Theo nghiên cứu của Đại sứ quán Na Uy, cảng điện gió ngoài khơi đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng cho các trang trại điện gió ngoài khơi. Tùy thuộc vào chiến lược lắp đặt được chọn, một cảng có thể hoạt động như các trung tâm/cơ sở sản xuất, trung chuyển, lắp ráp và/hoặc vận hành. Trong mọi trường hợp, cảng đóng vai trò là điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển tất cả các bộ phận - kết cấu và tuabin - dành riêng cho trang trại điện gió. Do đó, bước đầu tiên trong việc xây dựng trang trại điện gió là lựa chọn cẩn thận ít nhất một cảng chính có thể hỗ trợ dự án huy động các cơ sở hiện có hoặc có thể hỗ trợ dự án sau những nâng cấp nhỏ.

Điện gió ngoài khơi
Hải Phòng là thành phố cảng lâu đời, tập trung nhiều loại cảng chuyên dụng, đủ khả năng nâng cấp thành cảng chính phục vụ chuỗi giá trị công nghiệp điện gió ngoài khơi (Ảnh minh họa)

Trong suốt các giai đoạn khác nhau của vòng đời dự án trang trại điện gió ngoài khơi, từ chế tạo bộ phận, lắp ráp trước, lắp đặt, vận hành thử, vận hành liên tục và bảo trì cho đến giai đoạn ngừng vận hành cuối cùng, điều quan trọng là chỉ định được một bến cảng có các cơ sở chuyên dụng. Tuy nhiên, trên thực tế không thể xác định được một cảng duy nhất có khu vực bố trí sẵn có để hỗ trợ đồng thời tất cả các hoạt động trong vòng đời dự án. Cho đến nay, một số nhà cung cấp sản xuất các bộ phận chính cho lĩnh vực điện gió ngoài khơi có xu hướng thiết lập cơ sở sản xuất hoặc vận hành ngay tại các cảng, nhằm tối ưu hóa quá trình vận chuyển các bộ phận nặng cần thiết để xây dựng trang trại điện gió ngoài khơi dễ dàng và an toàn hơn.

Việc phát triển các cảng phù hợp với điện gió ngoài khơi là vô cùng quan trọng, vì những cảng này có thể tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của lĩnh vực điện gió ngoài khơi trong nước, đồng thời giải quyết các thách thức về hậu cần liên quan đến các giai đoạn trước xây dựng, xây dựng và bảo trì. Bằng cách tạo ra một trung tâm tập trung vào nhiều hoạt động khác nhau, các cảng điện gió ngoài khơi giúp giảm chi phí, nâng cao hiệu quả, tạo công ăn việc làm tại địa phương và thúc đẩy mở rộng sản xuất năng lượng sạch và năng lượng tái tạo từ các nguồn điện gió ngoài khơi. Do đó, cảng đóng một vai trò quan trọng và mang tính chiến lược đối với tất cả các bên liên quan đến dự án.

Theo Quyết định 804/QĐ-TTg ngày 8/7/2022 của Chính phủ, Việt Nam hiện có 34 cảng biển. Các cảng này được chia thành bốn loại khác nhau. Theo tiêu chí đánh giá và phân loại cảng, không chỉ bao gồm việc xem xét lượng hàng hóa và/hoặc trọng tải tàu mà các cảng tiếp nhận mà còn xem xét mức độ ảnh hưởng tiềm năng của cảng. Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu là hai tỉnh/thành có cảng biển được xếp vào loại đặc biệt.

Cảng tập kết hoặc lắp ráp đóng vai trò như một trung tâm trung gian trong giai đoạn xây dựng trang trại điện gió ngoài khơi, thường được đặt gần địa điểm xây dựng ngoài khơi hơn so với các cảng chế tạo hoặc sản xuất, với mục đích cung cấp khu vực lưu trữ tạm thời và có khả năng đóng vai trò như một trung tâm lắp ráp các bộ phận như móng và trụ tuabin. Các bộ phận này có thể đến từ nhiều điểm sản xuất khác nhau trước khi được lắp đặt tại địa điểm ngoài khơi.

Trong bối cảnh nghiên cứu thực tế của Na Uy đã đánh giá các quy trình không thể thiếu trong giai đoạn chế tạo, bao gồm: Nhập khẩu và lưu trữ các bộ phận WTG; Lắp ráp và lưu trữ các bộ phận kết cấu cho dự án điện gió ngoài khơi, bao gồm móng jacket, vỏ bọc và trụ. Quy trình này bao gồm việc sử dụng các phần thép đã qua chế tạo và các bộ phận phụ nhận được từ xưởng chế tạo; Vận chuyển tuabin gió phát điện và lắp ráp hoàn chỉnh các trụ WTG tại địa điểm bến cảng được chỉ định trước khi xếp lên tàu.

Lưu ý, việc chất các bộ phận lên tàu để vận chuyển đến địa điểm lắp đặt ngoài khơi chế tạo/sản xuất xây dựng móng và trụ là một công việc đòi hỏi tính linh hoạt, cho phép nhiều cơ sở cùng tham gia nếu áp dụng chiến lược xây dựng phân tán.

Với các tiêu chí đa dạng phụ thuộc vào khả năng chế tạo của từng cơ sở, quá trình đánh giá có chủ ý không bao gồm việc xem xét phương pháp chế tạo mô-đun, mà tập trung vào phương pháp tiếp cận ưu tiên, tức là tập trung chế tạo tại một cơ sở duy nhất. Mặc dù chuỗi cung ứng linh hoạt gồm nhiều cơ sở vẫn là một lựa chọn khả thi, nhưng lựa chọn này có thể gia tăng mức độ phức tạp đối với hoạt động logistics và đôi khi là cả khâu chế tạo do có thể xảy ra sai lệch giữa các cơ sở. Điều này cũng có thể gây chậm trễ cho dự án nếu huy động các nhà cung cấp thiếu kinh nghiệm sử dụng nhiều cơ sở vật chất khác nhau để chế tạo các bộ phận khác nhau.

Các tiêu chí cho việc chế tạo tại một cơ sở duy nhất ít hạn chế hơn một chút so với khu vực lắp ráp. Khả năng chịu tải của khu vực chế tạo có thể thấp hơn một chút so với khu vực lắp ráp do các bộ phận được chế tạo riêng lẻ trước rồi sau đó mới được vận chuyển đến khu vực lắp ráp. Trong bối cảnh đánh giá này, các quy trình không thể thiếu trong giai đoạn chế tạo, bao gồm: Nhập khẩu vật liệu thô; Chế tạo các bộ phận/phần/tấm cắt thép; Vận chuyển đến xưởng lắp ráp; Lắp ráp các bộ phận.

Cảng Vận hành và bảo trì (O&M) đóng vai trò là một địa điểm lưu trữ để thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến hoạt động vận hành và bảo trì đang diễn ra của một trang trại điện gió ngoài khơi trong suốt thời gian hoạt động được chỉ định. Các cơ sở này, thường do nhà phát triển hoặc người vận hành dự án trang trại điện gió thành lập, được điều chỉnh để phù hợp với chiến lược và yêu cầu O&M cụ thể của dự án, có thể bao gồm trang thiết bị neo đậu chuyên dụng cho các tàu O&M, chẳng hạn như tàu vận chuyển thủy thủ đoàn (CTV).

Các tiện nghi điển hình tại cảng O&M có thể bao gồm cơ sở neo đậu cho các tàu O&M với các tiện ích và cần trục, văn phòng cho nhân viên vận hành, trung tâm điều khiển hàng hải để chỉ đạo các hoạt động, thiết bị liên vận thủy bộ dành cho kỹ thuật viên tuabin và nhà kho để lưu trữ các bộ phận bổ sung cần thiết cho O&M. Yếu tố quyết định chính ảnh hưởng đến việc lựa chọn cảng O&M thường là khoảng cách đến địa điểm ngoài khơi. Tiêu chí lựa chọn này giữ vai trò quan trọng đặc biệt đối với các nhà phát triển vì các yêu cầu đối với các cảng như vậy thường ít nghiêm ngặt hơn so với các cảng chuyên chế tạo và tập kết.

Hải Phòng và Vũng Tàu cần được nâng cấp thành cảng điện gió ngoài khơi

Tại Việt Nam, các cảng phía Bắc, bao gồm cả các cảng ở cụm cảng Hải Phòng, hiện ít quan tâm đến việc hỗ trợ ngành điện gió ngoài khơi. Điều này cũng dễ hiểu khi xét đến tình trạng thiếu chắc chắn của khung chính sách điện gió ngoài khơi và lộ trình tiếp cận thị trường trong nước. Tuy nhiên, do đa phần nguồn cung thép trong nước đều ở phía Bắc hoặc nhập khẩu từ các nước phía Bắc khác như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, các cảng phía Bắc có thể trở thành trung tâm hậu cần đối với móng hoặc trụ nếu thành lập các cơ sở chế tạo.

Cảng Vũng Tàu với nhiều lợi thế về cơ sở công nghiệp dầu khí, mức nước có thể nhanh chóng phát triển thành cảng trung tâm của công nghiệp điện gió ngoài khơi.

Bước đi chiến lược này - tham gia vào lĩnh vực chế tạo móng - có thể đặt các cảng này vào vị thế là những cảng tiềm năng cho các dự án điện gió ngoài khơi sắp tới, khiến khu vực cảng Hải Phòng và Quảng Ninh ở một mức độ nào đó trở thành một thành tố quan trọng trong lộ trình phát triển điện gió ngoài khơi của Việt Nam.

Ngược lại, các cảng phía Nam cho thấy khuynh hướng thuận lợi hơn, có thể do ảnh hưởng từ sự tồn tại từ lâu của ngành Dầu khí. Một địa điểm đáng chú ý có thể kể đến cụm cảng Vũng Tàu, nơi Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) đang tiên phong trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi. Với cơ sở hạ tầng vững chắc, cơ sở vật chất tốt và bề dày kinh nghiệm, các cảng ở Vũng Tàu có thể khẳng định sẽ là đối tác có năng lực và đáng tin cậy trong ngành năng lượng tái tạo ngoài khơi. Các dịch vụ đa dạng tại đây có thể bao trùm toàn bộ vòng đời dự án, thể hiện cam kết phát triển năng lượng bền vững tại Việt Nam.

Kết quả nghiên cứu của Đại sứ quán Na Uy cho thấy, các cảng trong kịch bản năm 2030 chỉ cho phép khoảng thời gian chuẩn bị giới hạn là 2 năm. Do đó, không thể mong đợi những cải tiến lớn, chỉ có cơ sở vật chất hiện tại sẵn có để hỗ trợ dự án điện gió ngoài khơi. Dựa trên phân tích, Việt Nam không có khả năng sản xuất WTG và cáp ngầm, ngoại trừ các trụ.

Vì vậy, dự án sẽ phải nhập khẩu các bộ phận trên. Cụ thể hơn, các dự án điện gió ngoài khơi nằm trong khu vực biển Bình Thuận có thể tận dụng chuỗi cung ứng dầu khí đã có từ lâu tại khu vực Vũng Tàu. Móng WTG (ba chân, bốn chân, jacket, cọc đơn (cơ sở cọc đơn SREC hiện đang được xây dựng và sẵn sàng hoạt động vào năm 2024), móng trạm biến áp ngoài khơi và trạm biến áp ngoài khơi có thể được chế tạo và tập kết tại cụm cảng Vũng Tàu (PTSC, Vietsovpetro, PVC-MS, PV Shipyard).

SREC có thể nhận thầu (phụ) cho móng của WTG; Công ty Cổ phần Sản xuất ống thép Dầu khí Việt Nam (PV PIPE) và Công ty Cổ phần Bọc ống Dầu khí Việt Nam (PV GAS COATING), nằm gần cụm cảng Vũng Tàu, có thể nhận thầu (phụ) các bộ phận phụ trợ (tấm kim loại, đường ống,...), cùng với các dịch vụ tại chỗ (thử nghiệm NDT, bảo vệ chống ăn mòn, bảo vệ cách điện,...). Có thể chế tạo trụ tại SREC và/hoặc CS Wind.

Đối với các dự án điện gió ngoài khơi nằm tại khu vực biển Hải Phòng, các dự án có thể sử dụng: Cụm cảng Hải Phòng (PTSC Đình Vũ, Nam Đình Vũ, Nam Hải Đình Vũ, Tân Vũ) là trung tâm tập kết. Các lựa chọn khác bị hạn chế ở khu vực phía Nam do ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi tại khu vực còn chưa phát triển mạnh mẽ.

Chuyển sang kịch bản sau (đến 2035) với thêm 5 năm chuẩn bị, dự kiến rằng các sản phẩm thép thứ cấp đơn giản, cánh quạt, vỏ bọc có thể được cung ứng từ trong nước nếu thiết lập được một quy trình dài hạn liên tục. Mặc dù các bộ phận phụ của WTG (rotor, trục, máy phát,...) dự kiến vẫn được nhập khẩu do mức độ phức tạp trong quá trình sản xuất. Nhìn chung, kịch bản này dự kiến sẽ có mức độ nội địa hóa cao hơn.

Đối với các dự án điện gió ngoài khơi nằm trên khu vực biển Bình Thuận và biển Hải Phòng, vị trí sản xuất móng và trụ có thể vẫn giữ nguyên theo kịch bản năm 2030. Cần lưu ý rằng, ngay cả với kịch bản sau này, việc sản xuất móng ở miền Bắc sẽ gặp nhiều thách thức. Điều này là do hạn chế về độ cao của nhiều cảng/nhà máy đóng tàu lớn ở Hải Phòng. Việc chuyển đổi các cảng phía Bắc còn lại thành cảng tập kết và chế tạo, vốn ban đầu được chỉ định cho việc vận hành container, sẽ đòi hỏi những khoản đầu tư đáng kể mà khó có thể đáp ứng được nếu xét đến khung thời gian này.

Bài cuối: Những khuyến nghị quý giá để phát triển điện gió ngoài khơi

Báo cáo “Chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi cho kịch bản phát triển nhanh của Việt Nam” của Đại sứ quán Na Uy đã có nhiều phân tích, đánh giá sát thực tế về ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi của nước ta. Từ đó, báo cáo cũng đưa ra những khuyến nghị quý giá, có tính định hướng chính sách cực kỳ quan trọng trong thời điểm cả thế giới đang chạy đua vào kỷ nguyên chuyển dịch năng lượng.

Tận dụng cơ sở hạ tầng ngành Dầu khí cho điện gió ngoài khơi

Với tiềm năng phát triển to lớn, Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi để tận dụng cơ hội mở rộng công suất điện gió nhờ vào lợi thế về chi phí. Phân tích cho thấy, ngành Dầu khí nội địa Việt Nam đã hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng chuỗi cung ứng hiện tại, điều này đóng vai trò quan trọng vì có nhiều dịch vụ và hoạt động có thể được chuyển giao sang ngành điện gió ngoài khơi. Việc chuyển giao năng lực kỹ thuật từ ngành Dầu khí đã có trong các thị trường điện gió ngoài khơi mới nổi tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển chuỗi cung ứng nội địa với mức đầu tư thấp.

điện gió ngoài khơi
Dịch vụ dầu khí của Việt Nam sẽ là ngành chuyển giao nhanh nhất cho dịch vụ điện giớ ngoài khơi (Ảnh minh họa)

Khả năng chuyển giao từ ngành Dầu khí sang ngành điện gió ngoài khơi đã được Đại sứ quán Na Uy liệt kê rõ các khía cạnh, gồm: Ngành Dầu khí Việt Nam có khả năng chuyển giao quản lý dự án, khảo sát kỹ thuật; Khảo sát địa điểm đặt trang trại điện gió có sự tương đồng ở một mức độ cho cả các dự án dầu khí và điện gió ngoài khơi; Các thủ tục để được cấp giấy phép khai thác dưới đáy biển được thực hiện tương tự, nhưng thủ tục đối với các cuộc khảo sát có thể có sự khác biệt.

Các nhà quản lý dự án dầu khí có thể quản lý các hoạt động khác nhau để phát triển các dự án điện gió ngoài khơi; Các thiết kế lớn thi công một lần có quy mô tương đồng với các dự án dầu khí (móng, tuabin,...); Sử dụng bộ kỹ năng tương đồng cần thiết để sản xuất các bộ phận mô-đun (dịch vụ hỗ trợ lắp đặt, kết cấu thép,...); Các tàu sử dụng để lắp đặt giàn khoan dầu khí cũng có thể lắp đặt các dự án điện gió ngoài khơi như ở các thị trường khác dịch vụ bảo trì và kiểm tra; Công tác kiểm tra dưới mặt biển: Hoạt động kiểm tra dưới nước ở hai ngành đều giống nhau. Có thể sử dụng thợ lặn và các phương tiện vận hành từ xa cho các hoạt động này.

Nhìn chung, ngành Dầu khí đã giúp phát triển cơ sở hạ tầng chuỗi cung ứng vững chắc cho Việt Nam về lĩnh vực sản xuất móng và trụ cũng như cảng tập kết.

Tập trung đầu tư cung ứng WTG

Bên cạnh đó, trong báo cáo “Chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi cho kịch bản phát triển nhanh của Việt Nam” cũng khuyến nghị nước ta cần tập trung đầu tư vào hạng mục cung ứng WTG (máy phát điện tuabin gió) vì hiện chưa có cơ sở sản xuất nào có khả năng sản xuất được vỏ và cánh quạt cho các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.

Trong thực tế, General Electric (GE) là nhà sản xuất thiết bị gốc WTG duy nhất có cơ sở nhỏ nằm ở khu vực phía Bắc, cung cấp các tổ máy cho thị trường điện gió trên bờ trong nước. Theo phân tích và kế hoạch đã công bố, vẫn chưa rõ liệu các nhà sản xuất thiết bị gốc cho tuabin gió phát điện có mở rộng cơ sở sản xuất WTG hay thành lập các cơ sở mới để hỗ trợ ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi đang phát triển. Do đó, có thể dự đoán rằng hầu hết các thành phần của WTG cho các dự án ban đầu sẽ được giao cho bên khác thực hiện, vì việc phát triển cơ sở sản xuất có thể mất đến 3 năm nếu quyết định đầu tư được đưa ra trong thời gian sớm nhất có thể.

Những năm qua, nỗ lực của Việt Nam nhằm phát triển cơ sở hạ tầng chuỗi cung ứng gió ngoài khơi trong nước rất dễ nhận thấy, ví dụ như các bên liên quan được nhận thầu sản xuất các thành phần máy của cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, cần phải đầu tư thêm để cải thiện năng lực trong nước. Do đó, Chính phủ Việt Nam nên tiếp tục và tăng cường các ưu đãi cho chuỗi cung ứng, bao gồm các khung pháp lý hỗ trợ cho quá trình nội địa hóa sản xuất.

Những ưu đãi như vậy tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng toàn diện, hỗ trợ ngành điện gió ngoài khơi về lâu dài, đồng thời thu hút thêm nguồn đầu tư của cả bên liên quan đến ngành năng lượng điện gió ngoài khơi và nhà cung cấp. Như đã thấy từ các thị trường mới nổi khác, các ưu đãi đặc biệt dành cho chuỗi cung ứng đã tạo ra sự ảnh hưởng cho đầu tư tại địa phương, vốn là yếu tố quan trọng và góp phần đáng kể vào việc xây dựng các chuỗi cung ứng nội địa ở các thị trường khác như Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản.

Chính phủ cần hỗ trợ điện gió ngoài khơi một cách linh hoạt

Việc thực hiện thành công Quy hoạch điện VIII và mở rộng thị trường điện gió ngoài khơi trong nước đòi hỏi phải có những hướng dẫn toàn diện và chi tiết. Chính phủ có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển ngành điện gió ngoài khơi như ở các thị trường khác cũng đang phát triển ở mảng này. Sự tham gia của Chính phủ nên bao gồm việc đưa ra các chính sách cụ thể về chuỗi cung ứng, khuyến khích các doanh nghiệp địa phương đầu tư vào cơ sở sản xuất hoặc cơ sở hạ tầng cảng. Tuy nhiên, những ưu đãi này nên được phân bổ hợp lý để hỗ trợ nhu cầu của Việt Nam một cách linh hoạt.

điện gió ngoài khơi
Chính phủ Việt Nam cần dành nhiều ưu đãi hơn cho phát triển điện gió ngoài khơi (Ảnh minh họa)

Các ưu đãi đầu tiên nên hướng tới mở rộng năng lực sản xuất nội địa hiện tại, hỗ trợ đẩy nhanh quá trình phát triển các khía cạnh cụ thể của chuỗi cung ứng ngành điện gió ngoài khơi. Đối với Việt Nam, những ưu đãi này nên nhắm tới năng lực sản xuất móng dạng cố định và các trạm biến áp ngoài khơi. Khuyến khích tập trung các khoản trợ cấp và ưu đãi dành cho các lĩnh vực khác của chuỗi cung ứng nội địa có tiềm năng mang lại lợi ích lâu dài cho Việt Nam. Các khoản trợ cấp này nên dùng để đầu tư cho cơ sở hạ tầng cảng và các hoạt động vận hành và bảo dưỡng, tận dụng kiến thức và nhân lực ngành Dầu khí hiện tại.

Cuối cùng là việc hỗ trợ sản xuất trụ, tổ máy tuabin gió và cáp tại Việt Nam. Việc xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng này sẽ cần một khoản đầu tư đáng kể từ các nhà cung cấp. Để nâng cao sự quan tâm của các nhà cung cấp, Chính phủ sẽ cần xây dựng một dự án điện gió ngoài khơi có tiềm năng lớn, thu hút các nhà phát triển và tạo ra nhiều cơ hội cho ngành công nghiệp chuỗi cung ứng nội địa phát triển mạnh mẽ và tận dụng được nhiều cơ hội nhất có thể.

Xây dựng khung pháp lý vững chắc cho điện gió ngoài khơi

Để khai thác tối đa tiềm năng điện gió ở Việt Nam, cần khẩn trương tiến hành các hành động sau: Chính phủ nên thiết lập một khung pháp lý vững chắc, tạo ra một dự án cung ứng điện gió ngoài khơi lớn mạnh. Khung pháp lý này sẽ mang đến một tầm nhìn dài hạn về điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, ngoài ra khung này nên có các ưu đãi để thúc đẩy hàm lượng nội địa hóa trong ngành điện gió ngoài khơi. Khung pháp lý nên đề ra các bước cụ thể để phát triển thị trường điện gió ngoài khơi trong nước.

Những bước này nên hỗ trợ việc xác định khu vực phù hợp để phát triển ngành điện gió ngoài khơi, triển khai các nghiên cứu môi trường ban đầu và đưa ra kế hoạch định giá minh bạch. Việc thực hiện những bước này sẽ giúp thu hút nguồn đầu tư và sự quan tâm của các nhà phát triển vào thị trường nội địa.

điện gió ngoài khơi
Điện gió ngoài khơi cần một khung pháp lý vững chắc về giá điện, tỉ lệ nội địa hóa, nguồn nhân lực và phát triển chuỗi cung ứng trong nước (Ảnh minh họa)

Thiết lập yêu cầu không ràng buộc đối với hàm lượng nội địa hóa: Các thị trường mới nổi thường đề xuất thiết lập yêu cầu không ràng buộc đối với hàm lượng nội địa hóa nhằm tăng tốc quá trình hợp tác giữa các nhà cung ứng trong nước và các đối tác quốc tế. Cơ cấu pháp lý toàn diện như trên sẽ mang lại sự minh bạch và chắc chắn cho các nhà đầu tư, thúc đẩy quá trình phát triển của năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Chiến lược này đã mang lại lợi ích đáng kể cho chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi của Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản. Một số thị trường quốc tế khác cũng đã áp dụng chiến lược tương tự, nhưng các thị trường này cũng đã đặt ra hình phạt nếu các nhà phát triển không tuân theo kế hoạch đề xuất về chuỗi cung ứng.

Hợp tác với các trường đại học và thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu và phát triển: Chính phủ nên hợp tác với các trường đại học trong nước để tìm kiếm những trường quan tâm đến lĩnh vực điện gió ngoài khơi. Thông qua hợp tác, Chính phủ nên xây dựng các chương trình giáo dục và đào tạo nhân sự mới cho thị trường điện gió ngoài khơi mới phát triển. Việc đào tạo và chia sẻ kiến thức sẽ thu được hiệu quả lớn hơn thông qua việc thực hiện các chương trình nghiên cứu và phát triển do Chính phủ tài trợ.

Việc xây dựng các chương trình trao đổi sinh viên/giáo dục quốc tế về điện gió ngoài khơi hoặc thúc đẩy mối liên kết giữa các trường đại học/viện nghiên cứu và các công ty trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi thông qua các chương trình thực tập, chuyến đi thực tế, học bổng... sẽ là bước đầu tiên để đào tạo một lực lượng lao động lành nghề cho tương lai.

Khuyến khích giao lưu và đối thoại quốc tế: Chính phủ nên thiết lập quan hệ hợp tác với các quốc gia có kinh nghiệm về điện gió ngoài khơi và khuyến khích tổ chức các sự kiện cho các nhà cung cấp trong nước và quốc tế giao lưu, thảo luận về cơ hội hợp tác. Do ngôn ngữ có thể sẽ là rào cản cho các đối tác quốc tế tham gia thị trường Việt Nam, nên khuyến khích các nhân sự từ các Đại sứ quán trong nước tham gia chương trình và tập trung vào các sự kiện do Chính phủ và Đại sứ quán tổ chức. Việc tổ chức các sự kiện và hội nghị có sự tham gia của cả doanh nghiệp trong nước và quốc tế có thể tạo điều kiện cho sự hợp tác và thúc đẩy cơ hội đầu tư vào thị trường nội địa.

Thúc đẩy chiến dịch truyền thông về năng lượng tái tạo: Nâng cao nhận thức cộng đồng về lợi ích trong tương lai của năng lượng gió ngoài khơi, đặc biệt là vai trò trong việc giảm lượng phát thải carbon. Đây là yếu tố cần thiết để thu hút sự ủng hộ và hiểu biết rộng rãi cho tiến trình phát triển tất yếu của ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi.

Hiện tại, chưa có chính sách khuyến khích cụ thể nào dành cho chuỗi cung ứng, điều này đặt ra thách thức đối với sự phát triển của chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi. Chính phủ nên bắt tay vào hành động, bắt đầu bằng việc đầu tư và cải thiện cơ sở hạ tầng cảng nội địa, điều này không chỉ mang lại lợi ích cho Việt Nam mà còn cho các nước trong khu vực vì đây sẽ là cảng tập kết cho nhiều dự án khác nhau.

Nhìn chung, để phát triển chuỗi cung ứng trong nước một cách hợp lý, Chính phủ Việt Nam nên hợp tác song song với các bên liên quan về điện gió ngoài khơi nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển một lộ trình dự án điện gió ngoài khơi phong phú, góp phần phát triển cơ sở hạ tầng chuỗi cung ứng toàn diện.

Bùi Công

Bài viết liên quan

PVC-MS nhiệt liệt hưởng ứng tham gia Giải Marathon - Cà Mau 2024 Cúp PetroVietnam

PETROCONs – PVC-MS ghi dấu ấn tại Hội thi An toàn vệ sinh viên giỏi Ngành Dầu khí năm 2024

PVC-MS tổ chức Lễ Khởi công Gói thầu gia công chế tạo Chân đế Lạc Đà Vàng – A

PVC-MS kỷ niệm 41 năm ngày thành lập Công ty (20/10/1983 - 20/10/2024) và 94 năm ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10.

Công đoàn và Ban nữ công PVC-MS tham dự buổi họp mặt do Hội Liên hiệp Phụ nữ Xã Suối Rao, Huyện Châu Đức, Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức

PVC-MS đạt mốc 600.000 giờ làm việc an toàn tại gói thầu thi công chế tạo và cung cấp chân đế điện gió ngoài khơi - Greater Changhua Offshore Wind Farm 2204

PetroCons - PVC-MS đạt 02 giải khuyến khích và 01 giải phong trào tại hội thi tay nghề dầu khí lần VIII - năm 2024

Khơi dậy niềm đam mê, lòng tự hào nghề nghiệp trong mỗi NLĐ Dầu khí

PVC-MS tổ chức Lễ khởi công Gói thầu gia công chế tạo 04 WHP Topsides – Dự án Khí lô B

Cảnh báo mạo danh Tập đoàn Dầu khí Việt Nam lừa đảo tuyển dụng