Đến dự hội thảo có đồng chí Nguyễn Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ, Cứu nạn (Bộ Quốc phòng); đồng chí Cao Anh Dũng, Phó Cục trưởng Cục An toàn và Môi trường Công nghiệp (Bộ Công Thương); đồng chí Nguyễn Vũ Trường Sơn, Phó tổng giám đốc PVN; các đồng chí đại diện Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, Ban Biên giới Chính phủ; Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường); đại diện Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tư lệnh Hải quân, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; Cảnh sát biển vùng I, II, III; các đơn vị thuộc PVN đã tham dự hội thảo.
Phó tổng giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn và Trưởng ban An toàn - Sức khỏe - Môi trường PVN Lê Hồng Thái chủ trì hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó tổng giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn cho biết, tràn dầu là sự cố môi trường đặc biệt nguy hiểm, có mức độ tác động rất lớn đến môi trường thiên nhiên và ảnh hưởng đến sản xuất. Nguy cơ sự cố tràn dầu luôn hiện hữu, đặc biệt trong ngành Dầu khí.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam mong muốn thông qua hội thảo này, các đơn vị thuộc Tập đoàn và các đơn vị ngoài Tập đoàn sẽ cùng nhau phối hợp phân tích tình hình ứng phó sự cố tràn dầu; nêu bật những khó khăn và đề ra những giải pháp.
Tại hội thảo, Phó Trưởng ban Tìm kiếm Thăm dò dầu khí PVN Nguyễn Văn Khương đã trình bày tham luận "Hoạt động tìm kiếm dầu khí ngoài khơi Việt Nam và sự cố phun trào dầu khí". Hiện nay, PVN đang thực hiện 60 hợp đồng dầu khí, gia tăng trữ lượng hàng năm khoảng 30 - 35 triệu tấn quy dầu; hàng năm thu nổi 2D khoảng 10.000km, 3D khoảng 5.000km. Mỗi năm lượng dầu thô khai thác ngoài khơi đạt 15 triệu tấn cùng 9 tỉ m3 khí.
Đồng chí Nguyễn Văn Khương cho rằng ứng phó sự cố tràn dầu cần sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.
PVN đang khai thác 24 mỏ, có 7 tàu xử lý dầu, 9 tàu chứa dầu. Trong thời gian từ 2013 - 2015, PVN sẽ khoan khoảng 60 - 70 giếng/năm và đưa vào khai thác khoảng 10 mỏ.
Sự cố phun trào dầu khí có thể xảy ra trong quá trình khoan, sửa giếng và khai thác. Theo thống kê thì tại Mỹ đã khoan 387 giếng và xảy ra 1 sự cố phun trào. Tỷ lệ này ở Việt Nam thấp hơn với 1.181 giếng và chỉ có 2 sự cố phun trào.
Ông Nguyễn Văn Khương nhấn mạnh, mặc dù 2 sự cố phun trào không gây thiệt hại về người, thiệt hại rất thấp về của cải nhưng cũng đã cho PVN một bài học kinh nghiệm. Đó là, khi sự cố xảy ra cần triển khai ngay kế hoạch ứng cứu, hạn chế tối đa thiệt hại. Nếu khí phun xa giàn thì cần sơ tán ngay nhân sự. Nếu khí phun gần giàn thì cần tắt ngay các thiết bị điện, động cơ; đồng thời quan sát, theo dõi bằng trực thăng và tàu dịch vụ.
Tháng 4/2010, Tập đoàn Dầu khí Anh Quốc (BP) đã phải khắc phục sự cố tràn dầu lớn nhất trong lịch sử ở Vịnh Mexico. Lượng dầu tràn ra Vịnh Mexico là 4,9 triệu thùng, ảnh hưởng 180.000km2 mặt biển. 11 người chết, 17 người bị thương. BP đã thiệt hại khoảng 14 tỉ USD.
Đây là sự cố tràn dầu khiến cả thế giới rúng động, BP kinh doanh sụt giảm. Tuy nhiên có một điều cần rút ra là dù đây là một thảm họa tràn dầu của thế giới nhưng BP đã bình tĩnh, chủ động khắc phục một cách nhanh chóng, khoa học. Cụ thể, BP huy động 47.800 người tham gia khắc phục sự cố; 8 công ty dầu quốc tế, hàng chục công ty dịch vụ dầu khí, hàng chục cơ quan thuộc Anh Quốc, Mexico, các tổ chức quốc tế, đối tác và Chính phủ 19 nước tham gia khắc phục sự cố tràn dầu này.
Phó Chánh văn phòng Trực Tình huống Khẩn cấp Đinh Thế Hùng báo cáo
Hệ thống tổ chức công tác ứng phó sự cố tràn dầu của PVN.
Ông Huỳnh Ngọc Thừa, Trưởng ban An toàn, Sức khỏe, Môi trường của
Tổng công ty CP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí trả lời các câu hỏi tại buổi hội thảo.
"Một khi sự cố tràn dầu có quy mô lớn xảy ra thì ngoài nội lực cần sự giúp sức của cộng đồng quốc tế" - Phó Trưởng ban Tìm kiếm Thăm dò Nguyễn Văn Khương kết luận.
Tại hội thảo, ông Đinh Thế Hùng, Phó Chánh Văn phòng Trực Tình huống khẩn cấp của PVN cho biết thêm về hệ thống tổ chức công tác ứng phó sự cố tràn dầu của PVN.
Hiện nay, nguồn nhân lực chuyên trách ứng phó sự cố tràn dầu của PVN khoảng 100 người; phao quây 8.000m, thiết bị thu hồi dầu khoảng 15 bộ các loại...
Với nguồn lực hiện hữu, trong điều kiện thời tiết thuận lợi, PVN đủ khả năng ứng phó hiệu quả sự cố tràn dầu trên biển ở cấp II (dưới 2.000 tấn) và đang vươn tới cấp III (trên 2.000 tấn). Nếu sự cố lớn xảy ra, PVN sẽ được sự hỗ trợ của một trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu của Singapore.
Hiện nay, công tác ứng phó sự cố tràn dầu tại Việt Nam đã chuẩn bị tốt. Đối với trong ngành, công tác tổ chức chỉ đạo, chỉ huy ứng phó khá thuận lợi do được chuẩn bị khá tốt, nguồn lực chuyên nghiệp, thường trực 24/24h. Năm 2006, Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu miền Nam được thành lập đủ sức ứng phó sự cố tràn dầu.
Tuy nhiên, hiện nay hệ thống văn bản pháp quy vẫn còn thiếu, chưa đồng bộ. Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ, Cứu nạn (Bộ Quốc phòng) cũng đồng tình với ý kiến này và kiến nghị các bộ, ban ngành cần ban hành các văn bản pháp quy một cách đồng bộ để ngành Dầu khí có cơ sở hoạt động tốt.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ, Cứu nạn (Bộ Quốc phòng) đóng góp ý kiến tại hội thảo.
Trong năm 2011, Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã tổ chức diễn tập ứng phó sóng thần, năm 2012 diễn tập ứng phó sự cố ở Nhà máy Supe và Hóa chất Lâm Thao (Phú Thọ). Năm 2013, Ủy ban sẽ tổ chức diễn tập ứng phó sự cố với tình huống giả định khi động đất xảy ra ở khu vực Thủy điện Sông Tranh 2 và theo kế hoạch năm 2014 mới có thể tổ chức diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu.
Trong thời gian qua, Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cũng đã làm việc với PVN cùng bàn về các giải pháp ứng phó sự cố tràn dầu trên biển. Công tác phối hợp đang được hai đơn vị triển khai đúng kế hoạch, sẵn sàng ứng phó.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình cho rằng, phối hợp sự cố tràn dầu cần có sự phối hợp ngay trong việc quy chuẩn, đồng bộ hệ thống văn bản và trang thiết bị, vật lực, con người. Chỉ có như vậy thì khi sự cố xảy ra, kế hoạch triển khai khắc phục sẽ được triển khai nhanh chóng, giảm thiệt hại về người và của.
Đức Chính
(Theo Petrotimes