Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Lê Minh Hồng (ngoài cùng, bên phải) trao quà hỗ trợ Cảnh sát biển Việt Nam và Kiểm ngư Việt Nam
Chủ động trước những diễn biến bất thường
Trong những năm gần đây, nhận thức được những khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trên biển, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam luôn chủ động báo cáo, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan để xử lý kịp thời các tình huống phức tạp, lập kế hoạch công tác bảo vệ an toàn cho các dự án khai thác dầu khí. Hằng ngày, Văn phòng Biển Đông của tập đoàn đều có báo cáo gửi các bộ, ngành về tình hình hoạt động tìm kiếm, thăm dò trên thềm lục địa. Cùng với sự nỗ lực của tập thể cán bộ, công nhân viên, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam vẫn bảo đảm kế hoạch sản xuất và gia tăng trữ lượng dầu khí.
Việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ quốc phòng-an ninh theo yêu cầu của các cơ quan quản lý Nhà nước ở phạm vi toàn tập đoàn được duy trì nghiêm túc. Tập đoàn có nghị quyết chuyên đề và ban hành 8 quyết định cử cán bộ tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng. Các đơn vị như: PVEP, VSP, PV Gas phối hợp với bộ đội biên phòng tổ chức các đợt truyền thông về bảo vệ an ninh, an toàn các công trình dầu khí trên biển. Tập đoàn phối hợp với Học viện An ninh tổ chức 4 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ an ninh dầu khí cho hơn 300 cán bộ. Lực lượng tự vệ của tập đoàn tham gia tập huấn theo quy định của cơ quan quân sự địa phương, xây dựng phương án chiến đấu, tham gia diễn tập khu vực phòng thủ khi có yêu cầu. Đề tài khoa học “Tổ chức triển khai nhiệm vụ quốc phòng-an ninh với đặc điểm sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam” được nghiệm thu từ cuối năm 2014.
Sát cánh cùng quân và dân trên biển
Đặc điểm của ngành dầu khí Việt Nam là hầu hết các công trình thăm dò, tìm kiếm và khai thác đều ở trên biển. Vì vậy, lực lượng sản xuất của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam có quan hệ mật thiết với các lực lượng: Hải quân, biên phòng, cảnh sát biển, kiểm ngư và ngư dân. Đó là mối liên kết tự thân và tất yếu, góp phần gìn giữ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, là yếu tố quan trọng, tạo nên sức mạnh tổng hợp để bảo vệ chủ quyền biển, đảo, gìn giữ môi trường biển và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế biển.
Hằng năm, tập đoàn đều cử các đoàn công tác đi tặng quà, động viên bộ đội hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư và nhân dân trên đảo. Tháng 5-2014, tàu HQ 561 của Vùng 4 Hải quân đưa đoàn công tác của Hội Cựu chiến binh Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam gồm 112 thành viên thuộc nhiều đơn vị trong tập đoàn ra thăm, tặng quà bộ đội Trường Sa. Trong chuyến đi ấy, Hội Cựu chiến binh tập đoàn đã tổ chức lễ khánh thành hai bức tranh cổ động trên đảo Trường Sa. Kinh phí để xây dựng hai bức tranh cổ động là đóng góp của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo), Liên doanh Việt-Nga (Vietsovpetro), Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC), Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas), Tổng công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (PVEP) và từ quỹ phúc lợi của một số đơn vị, cán bộ công nhân viên trong toàn ngành dầu khí với tổng trị giá 3,3 tỷ đồng.
Hưởng ứng phong trào “Vì Trường Sa thân yêu”, Đoàn thanh niên tập đoàn đã tổ chức cho hàng trăm lượt đoàn viên ra thăm quân và dân huyện đảo Trường Sa, giao lưu, biểu diễn văn nghệ; tặng máy phát điện, 10 cột điện sử dụng năng lượng mặt trời, cùng nhu yếu phẩm, sách báo, máy tính, đàn ghi-ta và báo chí; tặng ti vi cho bộ đội biên phòng tại Côn Đảo… Mới nhất, tháng 5-2015 vừa qua, đoàn công tác của Hội Cựu chiến binh tập đoàn cùng tàu KN 781 của lực lượng kiểm ngư Việt Nam đã ra thăm quân và dân huyện đảo Trường Sa ở 1 nhà giàn và 9 điểm đảo. Tất cả những hoạt động đó càng gắn bó chặt chẽ hơn tình cảm và trách nhiệm của người dầu khí với các cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, lực lượng chức năng và nhân dân đang hoạt động, làm nhiệm vụ trên biển, đảo của Tổ quốc.
Theo Quân đội Nhân dân