Cảng dịch vụ dầu khí Vũng Tàu.
Mô hình Tập đoàn kinh tế Nhà nước nói chung và mô hình Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (TÐDKQGVN) là mô hình chưa có tiền lệ ở Việt Nam. Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam được tổ chức và hoạt động theo yêu cầu của Nhà nước là công cụ vật chất để nhà nước thực hiện điều tiết vĩ mô nền kinh tế và thực hiện các nhiệm vụ an ninh, an sinh xã hội.
Ðổi mới cơ chế quản lý điều hành theo mô hình Tập đoàn, năm năm qua, phương thức tổ chức quản lý Tập đoàn DKQGVN đã được thay đổi căn bản, quan hệ quản lý giữa công ty mẹ và công ty con được chuyển từ liên kết theo kiểu hành chính sang liên kết bằng cơ chế đầu tư tài chính, xóa bỏ các mệnh lệnh hành chính phi kinh tế, tạo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng trước pháp luật giữa các chủ thể kinh tế, giải phóng sức sản xuất, cởi trói cho doanh nghiệp tự chủ kinh doanh tìm kiếm cơ hội và tổ chức thực hiện mang lại hiệu quả nhưng vẫn bảo đảm quyền chi phối của công ty mẹ theo tỷ lệ nắm giữ vốn, bổ nhiệm nhân sự chủ chốt.
Tập đoàn đã thực hiện tốt vai trò là một trong những đầu tàu kinh tế của đất nước, là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ thể hiện trong việc tiên phong và triển khai thực hiện hiệu quả các dự án trọng điểm Nhà nước về dầu khí, thực hiện các dự án trọng điểm ở vùng sâu, vùng xa có điều kiện kinh tế - xã hội kém phát triển, tích cực mở rộng hợp tác đầu tư với các địa phương và các doanh nghiệp trong nước để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương và các vùng, miền trên cả nước, tiêu biểu như cụm khí điện đạm Cà Mau, cụm công nghiệp lọc hóa dầu Dung Quất; Tổ chức thực hiện kịp thời các chủ trương, chính sách của Ðảng và Chính phủ để đối phó với những biến động phức tạp của nền kinh tế đất nước, đặc biệt trong giai đoạn kinh tế đất nước bị lạm phát, giảm phát từ năm 2007 đến nay. Tích cực chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và biên giới quốc gia thông qua việc hợp tác hiệu quả với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan khác trong việc triển khai thực hiện mọi mặt hoạt động của Tập đoàn. Triển khai thực hiện công tác đổi mới doanh nghiệp đúng kế hoạch, công tác an sinh xã hội được các cấp lãnh đạo Tập đoàn đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện; việc làm cho người lao động ổn định, thu nhập năm sau cao hơn năm trước; hình thành và thực hiện nét văn hóa doanh nghiệp - 'Văn hóa doanh nghiệp Petrovietnam'. Thành lập Ðảng bộ toàn Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam để hoàn thiện hệ thống chính trị đồng bộ trong Tập đoàn. Triển khai thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động 'Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh'.
Ðánh giá chung
Thành công của công tác sắp xếp, đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam trong mười năm qua một lần nữa khẳng định chủ trương đúng đắn của Ðảng và Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Tập đoàn đã thật sự đóng vai trò quan trọng là một trong những trụ cột của nền kinh tế quốc dân, công cụ điều tiết vĩ mô của Nhà nước góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh năng lượng, an sinh xã hội, giữ vững chủ quyền quốc gia trên biển.
Mô hình kinh tế - Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam trong đó Công ty mẹ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các Tổng công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con đã có sự thay đổi to lớn về chất, xóa bỏ liên kết hành chính bằng liên kết đầu tư tài chính phù hợp với cơ chế thị trường, cơ cấu tổ chức, hoạt động đang dần hoàn thiện. Quy mô Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam được nâng lên rõ rệt, sức cạnh tranh được cải thiện, hoạt động ra nước ngoài mở rộng, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, đầu tư chiều sâu, áp dụng nhiều công nghệ mới. Công ty mẹ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam từng bước phát huy vai trò là đầu tàu định hướng, mở đường, hỗ trợ, giám sát các công ty con hoạt động hiệu quả hơn và là trung tâm kết nối, mở rộng phát triển chuỗi giá trị sản phẩm dầu khí theo chiến lược chung. Tuy nhiên, kết quả sản xuất, kinh doanh của một số đơn vị thuộc Tập đoàn chưa tương xứng với đầu tư và tiềm năng, lợi thế sẵn có từ Tập đoàn, hiệu quả hoạt động ở một số đơn vị thuộc Tập đoàn chưa cao, năng suất lao động còn thấp, sức cạnh tranh chưa đáp ứng yêu cầu thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.
Thương hiệu Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đã và đang dần được khẳng định vị trí số 1 ở trong nước và khu vực.
Những tồn tại, hạn chế, khó khăn vướng mắc
Quy mô Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam tăng lên rõ rệt song vẫn còn nhỏ so với các Tập đoàn dầu khí trong khu vực và trên thế giới. Năng lực, hiệu quả quản lý các hoạt động đầu tư ở nước ngoài và tại các công ty có thành phần vốn nước ngoài tham gia đầu tư lớn còn chưa đáp ứng yêu cầu.
Công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp là việc làm thường xuyên, liên tục nhằm thích ứng với cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa theo chiến lược và kế hoạch được phê duyệt để đạt mục tiêu hiệu quả kinh tế - xã hội ngày càng cao và phải được triển khai đồng bộ tất cả các nhiệm vụ liên quan từ tổ chức sắp xếp chức năng nhiệm vụ, cơ cấu cán bộ, cơ chế chính sách quản lý, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, củng cố tổ chức đảng, các tổ chức chính trị xã hội.
Trách nhiệm đến cùng, chỉ đạo quyết liệt, hỗ trợ nhiều mặt của công ty mẹ đối với các công ty thành viên và giữa các công ty thành viên với nhau sau cổ phần hóa và trong quá trình sắp xếp đổi mới doanh nghiệp là đòi hỏi khách quan và cần thiết bảo đảm việc sắp xếp đổi mới đạt mục tiêu, định hướng của Ðảng, Nhà nước.
Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện mô hình Tập đoàn kinh tế Nhà nước
Ðể phát triển nhanh, bền vững, Tập đoàn Dầu khí cần từng bước chuyển từ hoàn toàn đầu tư tài chính sang kết hợp thực hiện một số chức năng kinh doanh cốt lõi làm đầu tàu định hướng, mở đường, hỗ trợ, giám sát các công ty con hoạt động hiệu quả hơn và là trung tâm kết nối, mở rộng phát triển chuỗi giá trị sản phẩm theo chiến lược chung bảo đảm phát huy mạnh mẽ sức cạnh tranh kể cả về quy mô lẫn chất lượng, mở rộng hoạt động ra nước ngoài, đầu tư chiều sâu, áp dụng công nghệ mới.
Thật sự coi trọng phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đủ sức quản lý trước tốc độ và quy mô phát triển nhanh. Liên tục đổi mới, sắp xếp, tái cấu trúc các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn hướng tập trung nguồn lực theo lĩnh vực hoạt động kinh doanh chính, thu hẹp đầu tư ra ngoài doanh nghiệp, kiên quyết loại bỏ các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, hạn chế, tiến tới loại bỏ cạnh tranh nội bộ. Hoàn thiện phương thức quản lý, giám sát hoạt động của công ty thành viên thông qua cơ chế, chính sách đồng bộ đối với người đại diện là yếu tố quyết định đến hiệu quả kinh doanh của Tập đoàn.
Nâng cao năng lực phân tích, dự báo, thiết lập chính sách và quản trị chiến lược, quản trị rủi ro với đầy đủ các quy chế, quy trình nội bộ tiên tiến, hiện đại tại công ty mẹ và các đơn vị thành viên là yếu tố cần được quan tâm đặc biệt trong môi trường cạnh tranh khốc liệt toàn cầu.
Hoàn thiện các chính sách của Nhà nước về Tập đoàn kinh tế nhà nước theo hướng rõ ràng, đồng bộ, bảo đảm tăng quyền hạn và trách nhiệm đúng với tư cách của một doanh nghiệp độc lập, phù hợp với cơ chế thị trường cùng với cơ chế giám sát chặt chẽ.
Kế hoạch đổi mới, phát triển Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam trong nhiệm kỳ 2011 - 2015
Trong năm năm tới nhiệm vụ chính trị của Tập đoàn là: Xây dựng Petrovietnam thành Tập đoàn Kinh tế năng động, có năng lực cạnh tranh ở trong nước và quốc tế, tối ưu hóa việc sử dụng mọi nguồn lực sẵn có, xã hội hóa, thu hút đầu tư trong nước và ngoài nước, tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là: thăm dò, khai thác, lọc hóa dầu, sản xuất điện khí và dịch vụ kỹ thuật dầu khí, gia tăng giá trị tài nguyên dầu khí trong nước và nước ngoài, tăng cường nguồn đầu tư khác vào các lĩnh vực không cốt lõi của Tập đoàn, tạo điều kiện cho các lĩnh vực này hỗ trợ cho các lĩnh vực cốt lõi và cùng phát triển, tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, là công cụ điều tiết vĩ mô của Nhà nước, tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và đi đầu trong công tác an sinh xã hội.
Xây dựng Petrovietnam là doanh nghiệp nhà nước trở thành doanh nghiệp dân tộc kiểu mẫu tốt nhất, thật sự là trụ cột, chủ đạo của kinh tế Nhà nước trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã và đang hoạt động phù hợp với Chiến lược phát triển của Tập đoàn đến năm 2015 và tầm nhìn 2025 đã được Bộ Chính trị thông qua và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh cốt lõi theo chuỗi giá trị bao gồm: Tìm kiếm, thăm dò; khai thác dầu khí; lọc hóa dầu; sản xuất điện khí; dịch vụ kỹ thuật dầu khí.
Những kiến nghị - Ðề xuất
Quán triệt và thực hiện Nghị quyết Ðại hội XI của Ðảng, Ðảng bộ Tập đoàn Dầu khí xác định: Tiếp tục khẳng định việc đổi mới, sắp xếp, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động, xây dựng một số tập đoàn kinh tế nhà nước trụ cột là chủ trương lớn của Ðảng và là việc làm thường xuyên, liên tục và lâu dài trong suốt thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng như quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta theo mục tiêu: 'Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh'.
Tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm trong việc xây dựng mô hình Tập đoàn kinh tế nhà nước, trong năm năm tới, tập trung kiện toàn theo hướng: Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam là một trong những công cụ vật chất bảo đảm vai trò định hướng xã hội chủ nghĩa đóng góp lớn cho ngân sách quốc gia, là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ, góp phần ổn định kinh tế - xã hội đất nước. Hoàn thiện, thông qua chủ trương sớm ban hành Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển ngành dầu khí, định hướng đến năm 2035 để tạo sức mạnh chính trị phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện xây dựng Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam thành doanh nghiệp dân tộc mẫu mực, được tổ chức khoa học, hợp lý, gọn nhẹ, quản trị hiện đại nắm giữ một số ngành, lĩnh vực then chốt, trên một số địa bàn trọng yếu làm nền tảng của nền kinh tế quốc dân, bảo đảm an ninh - quốc phòng, làm trụ cột, đầu tàu dẫn dắt các thành phần kinh tế khác cùng phát triển, đầu tư quy mô đủ lớn có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường khu vực và quốc tế.
Những thành tựu
- Giai đoạn 2006- 2010, đánh dấu bước phát triển vượt bậc và rực rỡ nhất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam qua các thời kỳ phát triển đến nay;
- Tập đoàn đã đạt được nhiều kết quả cao trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; gia tăng trữ lượng dầu khí đạt 171,6% kế hoạch; đạt mốc khai thác 300 triệu tấn dầu quy đổi vào ngày 2-9-2009 và khai thác tấn dầu thô thứ 250 triệu vào ngày 12-10-2009; tốc độ tăng doanh thu đạt 28%/năm, chiếm trung bình 18-20% GDP cả nước, tăng 3,1 lần so với thực hiện năm năm 2001-2005; nộp ngân sách Nhà nước tăng 15,5%/năm, chiếm trung bình 25-30%/năm tổng thu ngân sách Nhà nước, tăng 2,4 lần so với thực hiện năm năm 2001-2005; kim ngạch xuất khẩu tăng trung bình 5%/năm, chiếm trung bình 15%/năm tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tăng 96% so với thực hiện năm năm 2001-2005 (giá dầu trung bình thực hiện cả giai đoạn 2006-2010 là 78USD/thùng).
- Tập đoàn đã chuyển đổi thành công từ mô hình Tổng công ty sang hoạt động theo mô hình Tập đoàn kinh tế, cơ bản hình thành được ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam hoàn chỉnh từ khâu tìm kiếm thăm dò khai thác - khí - điện - chế biến - và dịch vụ dầu khí cùng với việc đưa các nhà máy nhiệt điện khí, và Nhà máy lọc dầu Dung Quất vào vận hành. Trong giai đoạn này, Tập đoàn đã đưa năm nhóm sản phẩm mới vào phục vụ nền kinh tế quốc dân, góp phần tăng GDP của đất nước là: sản phẩm điện, sản phẩm xăng dầu, sản phẩm CNG, sản phẩm năng lượng sạch và sản phẩm nhiên liệu sinh học.
- Tiến độ các dự án đầu tư được bảo đảm. Việc chậm tiến độ đầu tư các dự án trọng điểm nhà nước về dầu khí và trọng điểm của ngành trước đây đã được khắc phục, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam (FDI) đạt mức cao (hơn 11,5 tỷ USD). Tập đoàn hoàn thành đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động 49 dự án. Trong đó, có ba dự án trọng điểm nhà nước về dầu khí là Nhà máy lọc dầu Dung Quất; Nhà máy Ðiện Cà Mau 1, 2 và Ðường ống dẫn khí PM3 - Cà Mau; Nhà máy điện Nhơn Trạch 1 và 46 dự án trọng điểm khác của Tập đoàn; khởi công và thực hiện đầu tư xây dựng 27 dự án trọng điểm khác. Kết quả của việc triển khai các dự án đầu tư của Tập đoàn trong giai đoạn 2006-2010 đã góp phần nâng cao vị thế và vai trò của Tập đoàn ở trong nước và ở nước ngoài, đã nâng cao uy tín, thương hiệu của Petrovietnam.
Ðinh La Thăng
Ủy viên T.Ư Ðảng, Chủ tịch HÐTV Petrovietnam