Chính vì thế, Hội nghị “Tổng kết 10 năm thực hiện công tác sắp xếp, đổi mới phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước (2001-2010); 5 năm mô hình Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (2006-2010) diễn ra vào ngày 3-6-2011 tại Thanh Hóa là một hội nghị quan trọng để lãnh đạo PVN và các đơn vị thành viên đánh giá kết quả tìm ra bài học kinh nghiệm và thống nhất phương hướng phát triển của mô hình tập đoàn kinh tế trong thời gian tới.
Dự Hội nghị có các đồng chí: Phạm Văn Linh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Nguyễn Quang Dương, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương; Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và một số tập đoàn kinh tế.
Về phía Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam có các đồng chí: Đinh La Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Phùng Đình Thực, Phó Bí thư Đảng uỷ, Tổng giám đốc, các đồng chí lãnh đạo Tập đoàn, lãnh đạo các đơn vị thành viên Tập đoàn.
Đồng chí Đinh La Thăng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Sự đổi mới mang tính tất yếu
Trong 10 năm qua PVN đã tích cực triển khai thực hiện quá trình chuyển đổi, sắp xếp, nâng cấp các tổng công ty, công ty thành viên, doanh nghiệp có vốn quy mô vừa và nhỏ, trong đó nhiều công ty có công nghệ lạc hậu, hoạt động kém hiệu quả để thu hút vốn xã hội, tăng quy mô.
Đây cũng là quan điểm cơ bản của Đảng tại Nghị quyết T.Ư3, Nghị quyết T.Ư9 khóa IX và các kết luận của Bộ Chính trị về công tác sắp xếp đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả các doanh nghiệp Nhà nước và những yêu cầu đối với ngành Dầu khí. Tuy nhiên, khi mới đưa vào thực hiện mô hình này, năng lực quản trị tập đoàn và sự quản lý, giám sát của Nhà nước chưa theo kịp trước thực tế.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó tổng giám đốc PVN cho biết: “Trong quá trình thực hiện mô hình tập đoàn, vấn đề đặt ra cho chúng tôi là tỉ lệ sở hữu vốn Nhà nước trong phần lớn các công ty sau khi cổ phần hóa vẫn ở mức cao hơn nhiều so với các cổ đông khác. Chính vì vậy, việc sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp tập đoàn vẫn chưa hoàn toàn vận động tuân theo quy luật khách quan của kinh tế thị trường”. Bên cạnh đó, tuy ngành Dầu khí là ngành kinh tế – kỹ thuật đặc biệt với mức vốn đầu tư lớn, hiệu quả và rủi ro cao nhưng quyền hạn của chủ sở hữu tại Tập đoàn và cơ chế ra quyết định đầu tư vẫn còn nhiều rào cản. Vai trò thực sự của công ty mẹ đối với các công ty con chưa hoàn toàn thoát khỏi các mệnh lệnh hành chính, chưa thực sự dựa trên các mối liên kết về tài chính theo cơ chế thị trường.
Những bước phát triển vượt bậc
Từ những hạn chế đó, trong những năm qua, PVN đã thực sự quyết liệt trong việc đổi mới cơ cấu kinh tế và phong cách lãnh đạo, chỉ huy, tư duy quản lý PVN đã chuyển đổi thành công từ mô hình Tổng Công ty sang hoạt động theo mô hình Tập đoàn kinh tế, cơ bản hình thành được ngành công nghiệp Dầu khí Việt Nam hoàn chỉnh từ khâu tìm kiếm thăm dò khai thác đến chế biến và dịch vụ dầu khí cùng với việc đưa các nhà máy nhiệt điện khí, và Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vào vận hành. PVN đã đưa 5 nhóm sản phẩm mới vào phục vụ nền kinh tế quốc dân, góp phần tăng GDP của đất nước là: sản phẩm điện, sản phẩm xăng dầu, sản phẩm CNG, sản phẩm năng lượng sạch và sản phẩm nhiên liệu sinh học.
Hầu hết tham luận của các đơn vị thành viên đều đánh giá rằng, giai đoạn 2006-2010, đánh dấu bước phát triển vượt bậc và rực rỡ nhất của PVN qua các thời kỳ phát triển. PVN đã đạt được nhiều kết quả cao trong hoạt động sản xuất kinh doanh, gia tăng trữ lượng dầu khí đạt 171,6% kế hoạch, đạt mốc khai thác 300 triệu tấn dầu vào ngày 2-9-2009 và khai thác tấn dầu thô thứ 250 triệu vào ngày 12-10-2009.
Đặc biệt, tốc độ tăng doanh thu của PVN tăng trung bình 28%/năm, chiếm từ 18-20% GDP cả nước, tăng 3,1 lần so với thực hiện 5 năm 2001-2005; nộp ngân sách Nhà nước tăng 15,5%/năm, chiếm trung bình 25-30%/năm tổng thu ngân sách Nhà nước, tăng 2,4 lần so với thực hiện 5 năm 2001-2005.
Trong bài báo cáo tổng kết, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó tổng giám đốc PVN thẳng thắn bộc bạch: “Cũng có nhiều cá nhân, đơn vị đặt câu hỏi với chúng tôi rằng, liệu PVN có lặp lại kết quả của Vinashin hay không. Chúng tôi cũng không ngần ngại trả lời rằng, chuyện đó chắc chắn không bao giờ xảy ra, bởi phương pháp quản trị doanh nghiệp, an toàn tài chính của Tập đoàn Dầu khí là những lĩnh vực được quan tâm đặc biệt”.
Các đại biểu trao đổi bên lề hội nghị.
Tập trung nòng cốt hay mở rộng đa ngành
Đánh giá quá trình thực hiện mô hình tập đoàn tại Petrovietnam, ông Phạm Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ Đổi mới doanh nghiệp (Văn phòng Chính phủ) cho biết: “Kết quả quan trọng nhất của PVN trong 5 năm qua là đã tiến hành tổ chức lại các tổng công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con do Tập đoàn nắm giữ 100% vốn điều lệ, đồng thời chuyển một số doanh nghiệp cổ phần hóa có quy mô lớn sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con. Bên cạnh đó, PVN đã hợp nhất, thành lập và tiếp nhận nhiều tổng công ty là các công ty TNHH 1 thành viên do Tập đoàn nắm giữ từ 50-100% vốn điều lệ”.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Tuấn Anh, trong 5 năm tới, PVN nên tập trung đổi mới, lược bớt những lĩnh vực đa ngành, tập trung vào lĩnh vực nòng cốt của mình. Bên cạnh đó, PVN cũng cần phải đẩy mạnh cổ phần hóa, tập trung tái cơ cấu doanh nghiệp. Việc đổi mới tổ chức PVN phải gắn với đổi mới tư duy quản lý, nâng cao tính tự chủ, tăng cường công tác kiểm tra giám sát nội bộ. Phải rà soát lại các lĩnh vực kinh doanh đa ngành, tránh phân tán nguồn lực và cạnh tranh nội bộ.
Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam cho biết: “Trong những năm vừa qua, mô hình tập đoàn kinh tế về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu đề ra. Đổi mới khá căn bản, toàn diện đáp ứng vai trò nòng cốt, điều tiết kinh tế vĩ mô. Theo tôi, trong thời gian tới, cùng với việc phát triển những lĩnh vực nòng cốt của mình, PVN nên tạo ra tác động lan tỏa, thu hút các thành phần kinh tế tham gia vào chuỗi liên kết mang lại hiệu quả”.
Để trả lời rõ ràng cho vấn đề này, đồng chí Đinh La Thăng đã khẳng định, đường hướng phát triển của PVN trong những năm tới và “trong 5 năm tới, PVN nhất quán quan điểm đưa hoạt động của PVN tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi của ngành Dầu khí vì PVN muốn trở thành “quả đấm thép” của Nhà nước, Chính phủ thì đương nhiên phải tập trung tối đa sức mạnh, không phân tán nguồn lực”.
Trong thời gian qua, PVN đã coi việc đổi mới doanh nghiệp mang tính chất sống còn, là xu hướng khách quan, tất yếu của thời đại. Vì thế PVN đã khắc phục được tối đa rủi ro sau rất nhiều lần suy thoái kinh tế, biến động giá cả. Theo đồng chí Đinh La Thăng thì thời gian tới, PVN sẽ tiếp tục chuyên nghiệp hóa các đơn vị thành viên, nâng cao năng lực cạnh tranh không chỉ trong nước mà trên trường quốc tế. Kiểm soát nội bộ, kiểm soát rủi ro một cách triệt để nghiêm túc.