PV: Thưa đồng chí Tổng giám đốc, Nghị định số 170/CP thành lập Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam được ban hành ngay sau khi đất nước vừa thống nhất có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển ngành Dầu khí non trẻ của Việt Nam?
TS. Đỗ Văn Hậu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
|
TGĐ Đỗ Văn Hậu: Ngày 3/9/1975, Chính phủ ban hành Nghị định số 170/CP thành lập Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam trên cơ sở Liên đoàn Địa chất 36 và một bộ phận thuộc Tổng cục Hóa chất, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của ngành Dầu khí Việt Nam. Từ đó, hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí được triển khai mạnh mẽ ở cả miền Bắc, miền Nam, thềm lục địa phía Nam và chúng ta đã có nhiều phát hiện dầu khí ở cả trên đất liền và ở thềm lục địa.
Thực ra, từ trước đó gần 15 năm, ngày 27/11/1961, xuất phát từ tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo Đảng và Nhà nước về ngành công nghiệp Dầu khí của Việt Nam, Đoàn thăm dò dầu lửa đã được thành lập và đi vào hoạt động, cung cấp rất nhiều tài liệu và thông tin quý giá, những kết luận quan trọng về cấu trúc địa chất, tiềm năng dầu khí ở miền võng Hà Nội, ở vùng trũng An Châu và là “cái nôi” cung cấp nguồn nhân lực kể cả cán bộ quản lý cho ngành Dầu khí Việt Nam trong giai đoạn đầu.
Lịch sử ngành Dầu khí đã ghi nhận một cách đậm nét những mốc son trong thời kỳ đầu khó khăn, gian khổ nhưng đã tạo dựng được nền móng cho sự phát triển của một nền công nghiệp dầu khí trong tương lai.
Trải qua quá trình phát triển, để phù hợp với mô hình và quy mô hoạt động từng giai đoạn, Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam được đổi tên thành Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam và nay là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam theo Quyết định số 199/2006/QĐ-TTg ngày 28/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ.
Cũng vì những lẽ đó, thể theo nguyện vọng của các thế hệ lao động ngành Dầu khí Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép lấy ngày 27/11 hàng năm làm Ngày truyền thống ngành Dầu khí Việt Nam.
PV: Đồng chí đánh giá như thế nào về ý nghĩa của những thành tựu mà Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đạt được trong thời gian qua?
TGĐ Đỗ Văn Hậu: Trong 37 năm qua, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác đến chế biến, vận chuyển, tàng trữ, phân phối và các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ khác từ dầu khí...
Ở những thập niên cuối của thế kỷ trước, ngành Dầu khí đã góp phần vô cùng quan trọng vào việc đưa đất nước ta thoát khỏi tình trạng khó khăn về kinh tế trong bối cảnh đất nước ta bị bao vây, cấm vận. Ở thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, vị thế và vai trò của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã được khẳng định ở tầm cao mới kể cả ở trong nước và ở nước ngoài. Đặc biệt, với chính sách đổi mới của Đảng và Chính phủ, sau 5 năm hoạt động theo mô hình Tập đoàn kinh tế, trong điều kiện kinh tế thế giới và trong nước biến động như thời gian vừa qua, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã vượt qua mọi khó khăn thách thức để đưa hàng loạt các dự án trọng điểm Nhà nước về dầu khí vào vận hành phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.
Có thể nói, với mức tăng trưởng trung bình khoảng 18-20%/năm, hàng năm đóng góp từ 28% đến 30% tổng thu ngân sách Nhà nước, kim ngạch xuất khẩu chiếm trung bình 15%/năm tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước..., Tập đoàn DKVN đã có những đóng góp rất quan trọng vào tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nếu không nói về những con số, những chỉ tiêu kế hoạch..., một Tập đoàn kinh tế không chỉ thực hiện tốt vai trò là đầu tàu và chủ lực của nền kinh tế, là công cụ hữu hiệu điều tiết vĩ mô của Nhà nước, mà còn tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia, bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và đi đầu trong công tác an sinh xã hội..., điều đó tự thân đã hàm chứa những ý nghĩa sâu sắc.
Đảng, Nhà nước và nhân dân đã đánh giá, ghi nhận những thành tựu ấy và trao tặng cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Danh hiệu Anh hùng Lao động...
PV: Và định hướng tương lai của Tập đoàn, thưa đồng chí?
TGĐ Đỗ Văn Hậu: Định hướng cơ bản nhất là xây dựng Petrovietnam thành Tập đoàn kinh tế năng động, có năng lực cạnh tranh ở trong nước và quốc tế, Tập đoàn tập trung đẩy mạnh phát triển những lĩnh vực kinh doanh chính (bao gồm: tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí; lọc hóa dầu; công nghiệp khí; công nghiệp điện; dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao), trong đó tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí là hoạt động cốt lõi.
PV: Những thông điệp đồng chí muốn gửi tới cán bộ, công nhân viên người lao động Dầu khí vào những dịp kỷ niệm như thế này?
TGĐ Đỗ Văn Hậu: Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự chỉ đạo sâu sát và quyết liệt của Chính phủ, sự ủng hộ của nhân dân cả nước, các thế hệ những người làm Dầu khí Việt Nam đã luôn ý thức được vị trí và trách nhiệm của mình trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước, đã cống hiến không mệt mỏi, đóng góp tâm sức và trí tuệ, vượt qua mọi khó khăn trở ngại để xây dựng ngành Dầu khí Việt Nam hôm nay trở thành ngành kinh tế kỹ thuật quan trọng hàng đầu đất nước.
Toàn thể hơn 50 ngàn người lao động Dầu khí sẽ không bằng lòng với thành tích đã đạt được, chúng tôi sẽ tiếp tục đồng lòng phát huy tinh thần quyết liệt dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, gìn giữ bản sắc và giá trị cốt lõi của văn hóa Dầu khí để tiến về phía trước, hoàn thành sứ mệnh của Tập đoàn là góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và xứng đáng đầu tàu kinh tế trong xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam giàu mạnh.
Tinh thần đoàn kết và sự thống nhất chính là nền tảng tạo nên sức mạnh phát triển bền vững của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.
Tôi cũng như những vị lãnh đạo ngành Dầu khí qua mọi thời kỳ, vào những thời khắc kỷ niệm mang dấu ấn truyền thống của ngành, đều luôn mong muốn tiếp thêm cho các đồng chí đồng nghiệp của mình một năng lượng mới cho ngọn lửa nhiệt huyết và lý tưởng, khát vọng và hoài bão vốn đã được đánh thức từ bao thế hệ người Dầu khí đi trước nay tiếp tục bừng sáng mãi.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Nguyễn Tiến Dũng (thực hiện)