Trước buổi gặp mặt, các vị khách đã thăm phòng truyền thống của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tại tầng 5, tòa nhà 18 Láng Hạ. Nơi đây trưng bày nhiều hiện vật từ ngày đầu tiên có hoạt động dầu khí ở Việt Nam cách đây 50 năm, sau này thành lập Tổng cục Dầu khí, Tổng công ty Dầu khí Việt Nam và nay là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.
25 vị trưởng cơ quan đại diện, trong đó 19 đồng chí được chỉ định Đại sứ và 6 đồng chí Tổng lãnh sự cảm thấy vui mừng và tự hào về ngành Dầu khí Việt Nam qua những hiện vật trưng bày. Những mô hình Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố, Nhà máy Điện Cà Mau… là những biểu tượng lớn mạnh của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.
Sau khi thăm phòng Truyền thống, các vị Đại sứ và Tổng lãnh sự đã có cuộc gặp gỡ với Tổng giám đốc PVN Đỗ Văn Hậu và các đồng chí trong Hội đồng Thành viên, Ban Tổng giám đốc, Văn phòng Tập đoàn.
Theo thông lệ ở các nhiệm kỳ trước, trước khi các trưởng cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài đi nhận nhiệm vụ mới; PVN thường tổ chức buổi gặp mặt để trao đổi thông tin, nhìn nhận, định hướng phối hợp, hợp tác giữa các Đại sứ, Tổng lãnh sự với PVN. Bởi PVN là tập đoàn hàng đầu Việt Nam đang hướng sự phát triển ra nước ngoài, đặc biệt là khâu thăm dò, khai thác dầu khí.
Trò chuyện tại cuộc gặp, Tổng giám đốc Đỗ Văn Hậu báo cáo với 25 tân Đại sứ và Tổng lãnh sự về tình hình phát triển của PVN trong năm 2011. Hiện tại, PVN đang hoạt động dầu khí tại 15 nước, trên tất cả các châu lục. Tổng giám đốc Đỗ Văn Hậu cho biết, dầu khí và ngoại giao là một. Một số nước đã đưa hai lĩnh vực hoạt động này thành một lĩnh vực chung nhất.
Tổng giám đốc PVN Đỗ Văn Hậu mong các Đại sứ, Tổng lãnh sự kết nối hợp tác kinh tế giữa PVN và các đối tác tại nước sở tại.
Hoạt động dầu khí của PVN sôi nổi nhất là tại Nga và Venezuela. Tại Nga, PVN đang có hoạt động khai thác tại khu Nhenhetxky; tại Venezuela, PVN chuẩn bị khai thác dầu tại mỏ Junin 2. Năm 2011, PVN đạt sản lượng 0,8 triệu tấn dầu ở nước ngoài. Mục tiêu đến 2015, sản lượng tại nước ngoài sẽ tăng lên 4 – 5 triệu tấn, và đạt khoảng 8 – 10 triệu tấn vào năm 2020.
Tổng giám đốc Đỗ Văn Hậu cũng cho biết, PVN vẫn bám sát 5 lĩnh vực chính, đó là: Tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí; Lọc hóa dầu; Công nghiệp Khí; công nghiệp Điện; dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao. Đây vừa là nhiệm vụ của PVN vừa là những thông điệp chính gửi tới các Đại sứ, các Tổng lãnh sự để tìm hiểu và kết nối với đối tác nước sở tại trong việc hợp tác với PVN.
“Bằng sự hỗ trợ của Nhà nước, Chính phủ và đặc biệt là giúp đỡ tận tình của các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài, PVN đang ngày ngày vươn ra thị trường thế giới. Chúng tôi mong các Đại sứ, các Tổng lãnh sự cung cấp nhiều thông tin, hiểu rõ tình hình, đóng góp ý kiến cho Tập đoàn” – Tổng giám đốc Đỗ Văn Hậu đề đạt.
Đồng chí Lê Đức Lưu – tân Đại sứ Việt Nam tại Bulgaria, kiêm nhiệm Macedonia bày tỏ, trên cơ sở 5 nhiệm vụ này của PVN, các trưởng cơ quan đại diện sẽ triển khai hội nhập có lộ trình, trong đó hội nhập kinh tế quốc tế là cơ sở để từng bước hội nhập chính trị, văn hóa – xã hội. Trong thời gian tới, các cơ quan đại diện cũng thực hiện 5 nhiệm vụ chính là: Tìm kiếm, kết nối với đối tác nước ngoài để hỗ trợ, triển khai các khả năng hợp tác kinh tế; Cung cấp thông tin theo yêu cầu; Hỗ trợ thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư; Hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc trong hoạt động hợp tác kinh tế; Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, quảng bá hình ảnh của Việt Nam.
Trên cơ sở 5 nhiệm vụ này, các Đại sứ, các Tổng lãnh sự sẽ là những cánh tay nối dài để các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thuận lợi hơn trong việc kết nối, liên kết hợp tác với các bạn hàng, đối tác.
Đồng chí Ngô Tiến Dũng – Đại sứ Việt Nam tại Venezuela cho rằng PVN đã đặt viên gạch đầu tiên của kinh tế Việt Nam tại một đất nước cách xa nửa vòng trái đất như Venezuela. “Với nhiệm vụ và chức trách của mình, chúng tôi sẽ phối hợp với các bên tại nước sở tại để phát triển trong lĩnh vực hợp tác dầu khí” – Đại sứ Ngô Thế Dũng nói.
Tổng giám đốc Đỗ Văn Hậu đặt nhiều câu hỏi với các Đại sứ tại các nước thuộc khu vực Trung Đông và châu Phi – nơi giàu “vàng đen” của thế giới. Đồng chí Đào Thành Chung – tân Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Arập Xê – út cho biết, tại đất nước sản xuất nhiều dầu mỏ nhất thế giới (mỗi năm khai thác nửa tỉ tấn) thì việc các đối tác vào Arập Xê – út hoạt động dầu khí là khó khăn nhưng các lĩnh vực khác như dịch vụ dầu khí thì có khả năng hợp tác cao.
Đại sứ tại Thổ Nhĩ Kỳ, đồng chí Nguyễn Thế Cường chia sẻ, ở đất nước Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều tập đoàn xây dựng dầu khí đứng tốp đầu thế giới. Nếu PVN hợp tác với họ sẽ thuận lợi trong học tập, chuyển giao công nghệ và nắm bắt xu thế xây lắp dầu khí tiên tiến của thế giới. Tại đất nước gần Việt Nam hơn, Đại sứ Việt Nam tại Myanmar Phạm Thanh Dũng cho biết, đất nước Myanmar đang mở cửa đón các dòng đầu tư nước ngoài, trong đó có dầu khí. Theo Tổng giám đốc Đỗ Văn Hậu, sắp tới, PVN sẽ triển khai một dự án thăm dò dầu khí ngoài khơi của Myanmar. Nước Myanmar có nhiều khía cạnh tương đồng với Việt Nam và gần về mặt địa lý nên sẽ thuận lợi trong hợp tác trong tương lai.
Sau buổi gặp gỡ, các Đại sứ và Tổng lãnh sự hứa sẽ cung cấp nhiều thông tin và kết nối bạn hàng giúp PVN hướng mạnh hoạt động dầu khí ra nước ngoài trong các năm tới.
Theo PVC.VN