Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban công tác tái cơ cấu ngành Dầu khí
Ngày đăng: 30/09/2014

Dự hội nghị giao ban có các thành viên trong Hội đồng thành viên, Ban tổng giám đốc, lãnh đạo Văn phòng, các Ban chuyên môn; cùng Chủ tịch Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc phụ trách đổi mới doanh nghiệp, Ban kiểm soát, Kế toán trưởng đến từ các đơn vị thành viên trong Tập đoàn và các đồng chí là nguyên lãnh đạo ngành Dầu khí qua các thời kỳ.

 

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giai đoạn 2012-2015 tại Quyết định số 46/QĐ-TTg ngày 05/01/2013. Sau khi Thủ tướng phê duyệt Đề án, Tập đoàn đã thành lập Ban chỉ đạo tái cấu trúc Tập đoàn và Tổ công tác thoái vốn. Hội đồng thành viên, Ban tổng giám đốc, Ban chỉ đạo tái cấu trúc Tập đoàn thường xuyên làm việc với các đơn vị để hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, xử lý kịp thời những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện công tác tái cơ cấu. Tính đến thời điểm hiện tại, Tập đoàn cũng đã phê duyệt Phương án tái cơ cấu của 18/18 đơn vị (VPI và PVFC có Đề án tái cơ cấu riêng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).

 

 

Đoàn Chủ tịch chủ trì hội nghị

 

Phó tổng giám đốc Tập đoàn Lê Minh Hồng, Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo tái cấu trúc Tập đoàn báo cáo những việc Tập đoàn đã làm được trong công tác tái cơ cấu, đồng thời nêu rõ tiến độ thực hiện tái cấu trúc cũng gặp phải không ít khó khăn.

 

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Lê Minh Hồng chỉ ra thực trạng còn tồn tại ở không ít đơn vị. Đó là bộ máy quản lý gián tiếp còn cồng kềnh, hiệu quả chưa cao. Cơ cấu, số lượng lãnh đạo còn lớn, không hợp lý và chưa được thực hiện chế độ kiêm nhiệm tại một số vị trí không cần chuyên trách, chất lượng nguồn nhân lực còn tồn tại nhiều yếu kém, hạn chế. Bên cạnh đó, định mức chi phí còn cao, sức cạnh tranh thấp so với các đơn vị bên ngoài trong cùng ngành, cùng lĩnh vực; còn trông chờ và nhận được nhiều sự hỗ trợ của Tập đoàn trong việc cung cấp sản phẩm dịch vụ, mở rộng thị trường nhưng hiệu quả chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu thấp nếu so với ngay lãi suất ngân hàng, thậm chí một số đơn vị kinh doanh thua lỗ…

 

Đối với công tác cổ phần hóa, vướng mắc lớn nhất của các doanh nghiệp dầu khí nằm ở chỗ: các doanh nghiệp đều có qui mô lớn, nhiều đặc thù, có doanh nghiệp chịu sự điều tiết về giá bán sản phẩm của Nhà nước nên thời gian chuẩn bị, tháo gỡ khó khăn trước cổ phần hóa thường kéo dài. Xung quanh chính sách hỗ trợ doanhn nghiệp sau cổ phần hóa còn nhiều bất cập. Cụ thể, Nhà nước chưa có qui định rõ ràng (ví dụ giá khí cho PVCFC và ưu đãi thuế cho BSR) nên thời gian kiến nghị, đề xuất kéo dài, đồng thời nếu không phê duyệt thì có thể nhìn thấy ngay doanh nghiệp sẽ thua lỗ sau cổ phần hóa. Ngoài ra, chi phí cho cổ phần hóa (tối đa 500 triệu đồng) là quá thấp, dẫn đến việc tìm đối tác, cổ đông chiến lược bị hạn chế.

 

Đối với công tác thoái vốn, vì cùng một lúc các Tập đoàn kinh tế và Tổng công ty cùng tiến hành thoái vốn đồng loạt đã tạo ra nguồn cung quá lớn trên thị trường chứng khoán, trong khi nhu cầu thị trường còn hạn hẹp (bất động sản, vốn góp…). Các đơn vị thuộc đối tượng thoái vốn kinh doanh hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ, thậm chí có đơn vị không còn hoạt động liên tục và nhiều yếu tố khách quan khác ảnh hưởng đến tiến độ thoái vốn.

 

Báo cáo của Ban chỉ đạo còn cho thấy, một số công ty thuộc đối tượng thoái vốn có phần góp vốn của nhiều đơn vị trong Tập đoàn, hoạt động thua lỗ, chưa niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán dẫn đến các đơn vị chưa chủ động thoái phần vốn góp của mình.

 

Hội nghị cũng nghe người đại diện phần vốn của 8 đơn vị thành viên báo cáo tiến độ, những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp. Vấn đề nổi bật được người đại diện phần vốn của Tập đoàn tại các đơn vị thành viên kiến nghị, đó là nguyện vọng được trao quyền tự chủ nhiều hơn trong quá trình tái cấu trúc.

 

Đa số các ý kiến đề xuất với Tập đoàn, chỉ khi Đại hội cổ đông của doanh nghiệp không quyết định được vấn đề, Hội đồng quản trị các đơn vị thành viên mới phải trình lên Hội đồng thành viên Tập đoàn xem xét, quyết định.

 

Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Nguyễn Xuân Sơn kết luận hội nghị

 

Thay mặt Ban chỉ đạo tái cấu trúc Tập đoàn, Tổng giám đốc Đỗ Văn Hậu cập nhật một số thông tin liên quan đến tình hình sản xuất kinh doanh của Tập đoàn trong 9 tháng qua. Tổng giám đốc lưu ý người đại diện phần vốn của Tập đoàn tại các đơn vị cần đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, đặc biệt là tiếp tục nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, hoàn thiện các qui trình, qui chế nội bộ, các định mức kinh tế kỹ thuật… để nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả hoạt động, phát triển bền vững. Đối với các đơn vị góp vốn vào cùng 1 doanh nghiệp thuộc đối tượng thoái vốn, Tổng giám đốc đề nghị các đơn vị cần chủ động phối hợp, lập phương án cụ thể để triển khai thực hiện.

 

Chủ tịch Hội đồng thành viên, Trưởng ban chỉ đạo tái cấu trúc Tập đoàn Nguyễn Xuân Sơn kết luận, Hội đồng thành viên Tập đoàn sẽ tập hợp các ý kiến từ cơ sở, qua đó trình Chính phủ phê duyệt sửa đổi, bổ sung phương án tái cơ cấu cho giai đoạn 2014-2015 và phê duyệt phương án sắp xếp tái cơ cấu cho giai đoạn sau 2015.

 

Trong đó, nổi bật là kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, duy trì một số doanh nghiệp cấp IV đối với Tập đoàn, cấp III đối với các đơn vị đang làm ăn hiệu quả, thuộc ngành nghề kinh doanh chính, có liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp cấp trên của PV Gas và PVD; việc chuyển BSR thành Công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên và nâng cấp Nhà máy lọc dầu Dung Quất theo thỏa thuận khung đã ký; giá khí cho PVCFC; và phương án chuyển đổi mô hình DQS thành công ty cổ phần…

 

Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Nguyễn Xuân Sơn yêu cầu người đại diện phần vốn của Tập đoàn tại các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn để hoàn tất công tác tái cấu trúc theo hạn định của Thủ tướng Chính phủ.

 

Theo PVN

Bài viết liên quan

Khẳng định năng lực và vị thế của PVC-MS trong lĩnh vực thi công điện gió ngoài khơi

Tiến độ thi công Topside Đại Hùng Phase 3 đạt kết quả tích cực

PVC-MS tổ chức “Gặp mặt tri ân người lao động” năm 2024

Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn đối thoại với đoàn viên, thanh niên Dầu khí về làm mới động lực cũ, bổ sung động lực mới

Các sự kiện nổi bật của Petrovietnam trong tuần 18-24/03/2024

Quốc tế phụ nữ 8/3 - Phụ nữ là để yêu thương

Lễ ra quân đầu năm Giáp Thìn 2024 khởi đầu khí thế, quyết tâm hoàn thành mục tiêu

Thư chúc Tết 2024

Tết sum vầy PVC-MS - Ấm áp tình người dầu khí

Công đoàn PETROCONs tổ chức "Xuân nghĩa tình Dầu khí - Tết ấm áp, sẻ chia" cho người lao động khu vực phía Nam