Tọa đàm "Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) và tác động đối với các doanh nghiệp"
Ngày đăng: 26/05/2023

Ngày 21/5, Tạp chí Năng lượng Mới - PetroTimes tổ chức Tọa đàm "Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) và tác động đối với các doanh nghiệp" theo hình thức trực tuyến trên trang PetroTimes.vn.

Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ VI, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014. Việc ban hành và thực hiện Luật Đấu thầu cùng với các Luật có liên quan đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng điều chỉnh hoạt động mua sắm, quản lý sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước phù hợp với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế, bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu, tạo niềm tin cho các cơ quan, đơn vị trong quá trình triển khai hoạt động đấu thầu.

Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật Đấu thầu trong thời gian qua cũng phát sinh một số bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện, như chưa có quy định đầy đủ nhằm khuyến khích mua sắm hàng hóa trong nước thay thế hàng hóa nhập khẩu; một số Luật liên quan đã sửa đổi hoặc có quy định khác so với Luật Đấu thầu…

Xuất phát từ thực tế đó, căn cứ Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, Chính phủ đã xây dựng Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi, lấy ý kiến rộng rãi và đã có Tờ trình gửi các cơ quan thẩm tra của Quốc hội xem xét.

Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi sẽ được đưa ra thảo luận và biểu quyết thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV và hiện đang thu hút được sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng như các đối tác nước ngoài, nổi bật là vấn đề về đối tượng điều chỉnh liên quan đến doanh nghiệp nhà nước với 2 phương án:

Phương án 1: Theo tờ trình của Chính phủ, chỉ quy định các dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thuộc đối tượng phải đấu thầu, bỏ quy định áp dụng đối với toàn bộ các dự án đầu tư có sử dụng vốn nhà nước, vốn của DNNN từ 30% trở lên, hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án như luật hiện hành.

Phương án 2: Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Quốc hội cân nhắc, xem xét thêm mở rộng đối tượng, bao gồm công ty con sở hữu 100% vốn của DNNN và công ty con sở hữu 50% vốn của DNNN.

Với 2 phương án này, Dự thảo Luật Đấu thầu sẽ tạo những tác động như đến hoạt động đấu thầu của DNNN? Liệu nó có làm giảm tính tự chủ, tạo rào cản đối với chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp hay không?

Để giải đáp những câu hỏi này, hôm nay, Tạp chí Năng lượng Mới/PetroTimes tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) và tác động đối với các doanh nghiệp”

Buổi Tọa đàm diễn ra từ 14h - 16h ngày 21/5/2023, được trực tuyến trên Tạp chí Điện tử PetroTimes.

Buổi Tọa đàm có sự tham gia của:

- Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội;

- TS Phan Ngọc Trung, nguyên Thành viên Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Trưởng ban Tư vấn – Phản biện Hội Dầu khí Việt Nam;

- Luật sư Nguyễn Thị Hoài Linh, nguyên Thẩm phán Tòa cấp cao;

- Th.s Đoàn Văn Thuần, Chuyên gia Viện Dầu khí Việt Nam

Mời độc giả theo dõi nội dung trao đổi tại buổi tọa đàm.

(LIVE) Tọa đàm
         Từ trái qua: LS Nguyễn Thị Hoài Linh; ông Phan Đức Hiếu; TS Phan Ngọc Trung; Th.s Đoàn Văn Thuần
(LIVE) Tọa đàm
Các đại biểu tham dự buổi Tọa đàm
(LIVE) Tọa đàm
Nhà báo Thuận Thiên - Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Năng lượng Mới/PetroTimes giới thiệu mục đích tọa đàm và các diễn giả khách mời
(LIVE) Tọa đàm
Chủ tọa, điều phối chương trình Tọa đàm: TS Nguyễn Hồng Minh, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Tạp chí Năng lượng Mới
(LIVE) Tọa đàm
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội

Đảm bảo sự tương thích giữa các Luật

Độc giả Nguyễn Hải Anh (Vĩnh Phúc): Luật Đấu thầu hiện hành quy định: Việc lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ dầu khí liên quan trực tiếp đến hoạt động tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí theo quy định của pháp luật về dầu khí. Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi, sau khi tiếp thu ý kiến góp ý, tại khoản 2 Điều 3, cũng quy định tương tự. Xin các khách mời bình luận, dẫn chứng để làm rõ thêm vấn đề này?

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội: Xét về mặt pháp lý, Luật Đấu thầu phải đảm bảo tôn trọng về hoạt động đấu thấu theo quy định của Luật Dầu khí năm 2022. Tính thực tiễn của Luật Dầu khí đã được các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thảo luận và thống nhất cao trong quá trình xây dựng luật. Vì vậy, cả tính pháp lý lẫn tính thực tiễn đã được xác định và được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Tuy nhiên, trong Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), tôi cho rằng cần bổ sung các quy định trong Điều 3 để đảm bảo sự tương thích giữa các luật, đặc biệt là “việc lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ dầu khí liên quan trực tiếp đến hoạt động tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí theo quy định của pháp luật về dầu khí”. Cũng như phải dẫn chiếu một số nội dung để làm rõ hơn điều này phù hợp với Luật Dầu khí năm 2022.

(LIVE) Tọa đàm
TS Phan Ngọc Trung, nguyên Thành viên Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Trưởng ban Tư vấn – Phản biện Hội Dầu khí Việt Nam

Độc giả Nguyễn Quỳnh Đông (Vũng Tàu): Hoạt động thăm dò khai thác dầu khí có những đặc điểm gì và từ đó công tác đấu thầu đối với những hoạt động này có gì khác biệt so với đấu thầu dự án, hàng hóa thông thường?

TS Phan Ngọc Trung, nguyên Thành viên HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Trưởng ban Tư vấn - Phản biện Hội Dầu khí Việt Nam: Phải làm rõ 2 khái niệm đấu thầu hợp đồng dầu khí hay đấu thầu hoạt động dầu khí. Đây là dự án to bao trùm dự án, khác biệt với một hợp đồng kinh tế bình thường có thể đánh giá được phần rủi ro liên quan. Còn tìm kiếm thăm dò khai thác chỉ có thể mường tượng được có dầu và khí, nhưng không thể biết chính xác là có bao nhiêu, trừ khi khai thác đến hết.

Ví dụ như mỏ Bạch Hổ đã khai thác 40 năm, không ai có thể khẳng định được có bao nhiêu tỷ m3, tấn dầu… Vậy nên, khi nhà thầu chấp nhận tham gia là họ đã chấp nhận rủi ro ấy. Và để triển khai được, họ sẽ phải làm báo cáo trình các cơ quan thẩm quyền, thuyết phục được cấp trên của mình lại báo cáo với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam). Sau đó, việc này còn phải thông qua hội đồng trữ lượng gồm các Bộ/ngành trước khi trình Chính phủ.

Khi thăm dò, may mắn thấy dầu thì cũng không rõ là nhiều hay ít. Từ đó thêm quá trình phát triển mỏ, xác định được một giá trị tương đối. Nhưng quá trình này cũng phụ thuộc nhiều yếu tố khác khác, tiềm ẩn không ít rủi ro như trên bề mặt lại có tầng khí nông, rất dễ gây cháy nổ, đã từng có những sự việc xảy ra trên thế giới. Đặc thù của ngành, của hợp đồng dầu khí là như vậy, rủi ro dầu khí mang tính khách quan và khó khăn hơn các ngành khác rất nhiều.

Đối với dầu khí, còn có khái niệm về thông lệ. Các hợp đồng dầu khí phải thực hiện theo thông lệ quốc tế. Để triển khai, tôi nghĩ rằng việc đấu thầu các hợp đồng dầu khí trên thềm lục địa về cơ bản đến nay đều tôn trọng các luật định, không quá khác với thông lệ quốc tế.

Là một người công tác lâu năm trong ngành, tôi rất mong dư luận, mọi người hiểu đúng về ngành Dầu khí để cùng chia sẻ và đồng cảm. Ngành Dầu khí mang tính đặc thù, rủi ro cao, nhưng thực sự không phải ai cũng có thể hiểu cái đặc thù, rủi ro cao đó như thế nào.

Từ đặc thù đó có thể thấy hoạt động đấu thầu với công ty trên 50% vốn nhà nước đều bị vướng. Theo Luật Đấu thầu, nếu không để riêng ra rất là khó, đặc biệt với những dự án có quy mô lớn, mang tính chuỗi với nhiều mắt xích, liên kết với nhau.

Đi sâu vào chuyện các công ty có vốn nhà nước, ví dụ Petrovietnam, PVEP, Vietsovpetro hoặc một số công ty khác, sẽ rất khó nếu như áp dụng Luật Đấu thầu. Quy trình cũng đều phải thông qua các bước, trong đó nhiều vấn đề chuyên môn, chuyên ngành sâu, dẫn đến khó hiểu cho các Bộ, ngành, cơ quan quản lý khi đưa ra các quyết định.

Tôi đề xuất, cần theo chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước là đẩy mạnh phân cấp cho các nhà lãnh đạo, những người này phải chịu trách nhiệm về quyết sách của mình. Như vậy, về tổng hòa sẽ tốt hơn.

Cá nhân tôi mong muốn và kêu gọi Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi tiếp tục như các kế hoạch đề ra, nhất là khi các công ty con tham gia vào các dự án cần được sòng phẳng như các nhà đầu tư nước ngoài khác.

(LIVE) Tọa đàm
Luật sư Nguyễn Thị Hoài Linh

Nên phân cấp các gói thầu

Độc giả Nguyễn Hữu Trí (Hà Nội): Trong thực thi Luật Đấu thầu, các gói thầu mua sắm, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, chỉ định thầu… thường gặp nhiều vấn đề chưa rõ, vướng mắc và dễ gặp sai phạm. Là người đã có nhiều năm công tác trong lĩnh vực Tòa án, trực tiếp tham gia bào chữa nhiều vụ án liên quan đến việc thực hiện các gói thầu, bà có chia sẻ gì về vấn đề này?

Luật sư Nguyễn Thị Hoài Linh: Trước đây, với vai trò một thẩm phán Tòa án, trong quá trình giải quyết các vụ án kinh doanh thương mại có liên quan đến đấu thầu, tôi thấy rằng: Ví dụ như điểm d Khoản 1 Điều 1 của Luật Đấu thầu có nói về việc mua sắm sử dụng vốn nhà nước nhằm duy trì các hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức chính trị nghề nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội thuộc lực lượng vũ trang nhân dân. Đây là điều luật chung chung, việc mua sắm mọi thứ phải thông qua đấu thầu, như thế thực tiễn rất khó khăn cho các đơn vị. Sửa một chiếc ô tô cũng phải theo quy trình đấu thấu, gây nên sự rắc rối, mất thời gian, không kịp thời với doanh nghiệp đang cần hàng hóa đó.

Chúng tôi thấy với những việc mua sắm sử dụng nguồn vốn nhà nước từ việc nhỏ đến việc lớn nếu phải theo quy trình của Luật Đấu thầu thì rất rắc rối. Gần đây, các vụ án lớn như các vụ liên quan đến đấu thầu về thiết bị y tế, đấu thầu về thiết bị giáo dục trường học gặp nhiều vướng mắc. Tôi cho rằng nên phân cấp ra các gói thầu. Ví dụ như các doanh nghiệp nhà nước phân ra mức bao nhiêu, phải như thế nào thì cần phải đấu thầu. Có rất nhiều vụ án tôi tham gia giải quyết, cảm thấy không đáng, nhưng vì nhiều thứ mà doanh nghiệp vi phạm thầu, hoặc có những hành vi gian lận. Việc chồng chéo trong Luật Đấu thầu hoặc Luật Đất đai, Luật Xây dựng thì tôi cho rằng nên xem xét sửa đổi Luật Đấu thầu mới để thoáng hơn với các doanh nghiệp tham gia đấu thầu.

Với riêng doanh nghiệp ngành Dầu khí, với các gói thầu từ mua sắm hàng hóa đến gói thầu liên quan đến trang thiết bị dầu khí, nên đưa hết về Luật Dầu khí chứ không cần thiết phải cùng gói thầu nhưng mảng này liên quan đến Luật Đấu thầu, mảng kia liên quan đến Luật Dầu khí, như thế sẽ rắc rối.

(LIVE) Tọa đàm
Th.s Đoàn Văn Thuần, Chuyên gia Viện Dầu khí Việt Nam

Độc giả Hoàng Xuân Bách (Vũng Tàu): Với các doanh nghiệp dầu khí, hoạt động đấu thầu trong thời gian qua diễn ra như thế nào? Có gặp những khó khăn, vướng mắc hay những bất cập gì cần tháo gỡ?

Th.s Đoàn Văn Thuần, Chuyên gia Viện Dầu khí Việt Nam: Hoạt động đấu thầu trong dầu khí chia ra 2 mảng: mảng thứ nhất là đấu thầu lô và dự án dầu khí. Tức là lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí. Mảng thứ 2 là hàng hóa và dịch vụ để cung cấp cho hoạt động dầu khí khi mà dự án dầu khí đã đi vào giai đoạn triển khai.

Đối với mảng thứ nhất, được quy định chi tiết cụ thể trong Luật Dầu khí 1993 là việc ký kết hợp đồng dầu khí phải được thông qua hoạt động đấu thầu.

Sau đó là Luật Dầu khí 2008 có nghị định, nghị định hướng dẫn 34 năm 2001 về quy chế đấu thầu trong khai thác dầu khí cũng được điều chỉnh sửa đổi trong nghị định 95 năm 2015 có hướng dẫn chi tiết.

Đến Luật Dầu khí 2022, nội dung của đấu thầu lô trong hoạt động dầu khí cụ thể tại chương 3, đi từ điều 15-25, quy định rõ về hình thức lựa chọn nhà thầu, kết hợp nhà thầu dầu khí qua 4 hình thức: rộng rãi, hạn chế, cạnh tranh, chỉ định thầu.

Luật Dầu khí 2022 cũng quy định các tiêu chí, điều kiện lựa chọn các tổ chức cá nhân tham gia kí kết hợp đồng dầu khí, cũng như đưa ra kế hoạch chọn nhà thầu cho Lô dầu khí. Kế hoạch lựa chọn nhà thầu do Petrovietnam lập và Bộ Công Thương, Chính phủ phê duyệt.

Về đấu thầu kí kết hợp đồng dịch vụ dầu khí, việc lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ cho các nhà thầu dầu khí được thực hiện các quy định hoạt động dầu khí và các quy định của pháp luật về đấu thầu. Truớc đây, lĩnh vực này thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dầu khí. Cụ thể, theo quy định đấu thầu năm 2005 và 2013, quy định của Luật Đấu thầu loại trừ điều chỉnh với đấu thầu ký kết cung cấp dịch vụ hàng hóa dịch vụ liên quan trực tiếp đến hoạt động dầu khí theo quy định pháp luật dầu khí.

Còn theo Luật Dầu khí 2022, Điều 58-59 về quyền và nghĩa vụ của nhà thầu có quy định nguyên tắc việc nhà thầu có quyền tổ chức hoặc cá nhân cung cấp dịch vụ dầu khí, hàng hóa hoặc hàng hóa phục vụ hoạt động dầu khí phù hợp thông lệ quốc tế.

Còn về quy định nhà thầu có nghĩa vụ tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ dầu khí để đảm bảo nguyên tắc cạnh trnah cũng như minh bạch phù hợp với hoạt động dầu khí. Các quy định trong nhà thầu dầu khí từ trước tới nay đều có quy định về quyền và nghĩa vụ nhà thầu trong việc lựa chọn các nhà thầu cung cấp hàng hóa dich vụ. Trong Luật Dầu khí cũng đã rõ về quy trình thủ tục cung cấp, đấu thầu hàng hóa dầu khí với các hạng mức như từ 200-500 nghìn USD trở xuống sẽ được quyết định do người điều hành quyết định trong nội dung tổ chức lựa chọn nhà thầu, đối với các gói thầu có giá trị lớn hơn mức trên thì nhà thầu/người điều hành các lô dầu khí báo cáo lên cơ quan phê duyệt là Petrovietnam. Các nhà thầu/người điều hành cũng sẽ có quy định quy trình mua sắm nội bộ cũng như xây dựng hợp đồng dầu khí phù hợp thông lệ quốc tế.

Có thể nói trong các quy định pháp luật về đấu thầu cũng như pháp luật về dầu khí từ trước đến nay, các vấn đề về đấu thầu, cung cấp hàng hóa dịch vụ cũng được đảm bảo kịp thời, không có vướng mắc phát sinh trong hoạt động thăm dò khai thác dầu khí, đảm bảo tính cạnh tranh, hiệu quả đấu thầu.

Sau nghiên cứu nội dung dự thảo Luật Đấu thầu bản được đăng trên Cổng Chính phủ, với nội dung ngoại trừ quy định điều chỉnh Luật Đấu thầu đối với hàng hóa dịch vụ trong hoạt động dầu khí chưa cập nhật nên dự án dầu khí áp dụng theo Luật Đấu thầu chung với hàng hóa dịch vụ, thì sẽ có nhiều khó khăn, bất cập trong việc đối tượng áp dụng. Hoạt động dầu khí thường bao gồm tổ hợp các nhà thầu không chỉ Petrovietnam, PVEP, mà còn các nhà thầu dầu khí bên ngoài, nhà thầu tư nhân. Các nhà thầu nói chung theo quy định lô dầu khí thông qua người điều hành, hoặc công ty dầu khí đứng ra điều hành có trách nhiệm độc lập giữa các bên. Theo quy định hợp đồng dầu khí theo quy trình đấu thầu riêng mà Petrovietnam, PVEP với tư cách DNNN áp dụng quy trình đấu thầu theo quy định pháp luật của Luật Đấu thầu mới gây bất cập, dẫn tới sự xung đột thời gian triển khai các quy định theo Luật Dầu khí.

(LIVE) Tọa đàm
TS Nguyễn Hồng Minh

TS Nguyễn Hồng Minh: Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi sau nhiều lần tiếp thu, giải trình dựa trên những ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành Trung ương và địa phương, của cộng đồng doanh nghiệp, đông đảo quần chúng nhân dân và các tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp, đã cơ bản đáp ứng được các yêu cầu đặt ra đối với việc sửa đổi Luật Đấu thầu.

Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, đối tượng áp dụng Luật Đấu thầu là DNNN vẫn đang có nhiều ý kiến trái chiều, trong đó nổi lên 2 phương án:

Phương án 1: Theo tờ trình của Chính phủ, chỉ quy định các dự án đầu tư của DNNN thuộc đối tượng phải đấu thầu, bỏ quy định áp dụng đối với toàn bộ các dự án đầu tư có sử dụng vốn nhà nước, vốn của DNNN từ 30% trở lên, hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án như luật hiện hành.

Phương án 2: Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Quốc hội cân nhắc, xem xét thêm mở rộng đối tượng so với Chính phủ trình, bao gồm công ty con sở hữu 100% vốn của DNNN và công ty con sở hữu 50% vốn của doanh nghiệp Nhà nước.

Liên quan đến vấn đề này, Ban Tổ chức đang nhận được rất nhiều câu hỏi từ các độc giả đang theo dõi buổi Tọa đàm. Xin được hỏi tất cả khách mời từ những góc nhìn riêng của mỗi người?

(LIVE) Tọa đàm
Các khách mời trong chương trình Tọa đàm
(LIVE) Tọa đàm
Ông Phan Đức Hiếu

Ông Phan Đức Hiếu: Đây là nội dung quan trọng của Luật Đấu thầu với DNNN hay có gốc nhà nước. Về 2 phương án, phương án Chính phủ trình áp dụng DNNN có 2 chủ thể, doanh nghiệp mà nhà nước sở hữu 100% và DNNN sở hữu trên 50% vốn. Đây là 2 đối tượng được áp dụng. Nhưng phương án 2, có thể thấy mở rộng thêm 4 nhóm đối tượng doanh nghiệp. Đây là một bài toán hết sức cân nhắc.

Có 2 cơ sở là vấn đề chính trị pháp lý với sự tương thích của hệ thống pháp luật và tôn trọng thực tiễn khách quan. Về cơ sở chính trị, tôi theo dõi mảng DNNN nhiều năm, từ kết luận 50 của Bộ Chính trị về đổi mới DNNN năm 2012 đến Nghị quyết Trung ương 5 (hay còn gọi Nghị quyết 12 năm 2017) về tiếp tục cơ cấu, đổi mới, nâng cao hiệu quả hiệu lực DNNN thì có tư tưởng quan trọng mà ta phải bám sát. Đó là tách bạch giữa sở hữu và quản trị tự chủ doanh nghiệp, đề cao quyền tự chủ doanh nghiệp. Quan điểm Nghị quyết Trung ương 5 nhấn mạnh quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Đây là 2 tư tưởng tách biệt sở hữu, nâng cao quyền tự chủ, đề cao cạnh tranh minh bạch, bình đẳng thực tiễn sản xuất kinh doanh. Đấy là tư tưởng chính trị không thể trái được.

Gần đây nhất Luật Doanh nghiệp 2014 và Luật 69 về sở hữu vốn, DNNN đã bắt đầu được phân chia theo cấp độ sở hữu và mức độ sở hữu. Luật 69 quy định là doanh nghiệp F0 có cơ chế quản lý khác, còn doanh nghiệp công ty con của DNNN có cơ chế quản lý khác. Ví dụ F0 là người đại diện vốn của doanh nghiệp tại doanh nghiệp có quyền và nghĩa vụ quản lý khác nhau. Luật Doanh nghiệp 2012 áp dụng tương tự, doanh nghiệp F0 mà DNNN sở hữu trực tiếp mới được coi là DNNN. Còn doanh nghiệp có sở hữu của DNNN từ F1 không coi là DNNN. Tư tưởng Nghị quyết được thể chế hóa theo nguyên tắc là DNNN được phân chia nhiều cấp độ, mức độ sở hữu khác nhau và phải có cách thức quản lý phù hợp với mức độ và cấp độ, không áp dụng cứng nhắc theo một cách thức quản lý nào.

DNNN cũng chia ra 2 loại sở hữu 100% và trên 50% vốn có cách thức quản lý khác nhau. Ví dụ cũng là DNNN nhưng nhà nước sở hữu 100% vốn có quản trị riêng trong chương 4. Còn cũng là DNNN nhưng nhà nước sở hữu trên 50% vốn thì áp dụng khuôn khổ quản trị như các công ty khác, cổ phần thì theo cổ phần, TNHH thì theo TNHH để đảm bảo tinh thần bình đẳng tự chủ.

Nếu nhìn vào cơ sở chính trị mà chọn phương án mở rộng công ty con của DNNN là mở rộng 4 nhóm đối tuợng, và nếu chiếu vào cơ sở pháp lý chính trị thì ta chỉ áp dụng cứng nhắc 1 cơ chế đấu thầu cho nhiều loại doanh nghiệp có cấp độ và mức độ sở hữu khác nhau, sẽ không phù hợp chủ trương đường lối và pháp luật.

Điều thứ 2 là tính thực tiễn. Quan điểm của tôi, tính thực tiễn có 2 cái phải nói đến là khi doanh nghiệp có sở hữu hỗn hợp cũng có mong muốn thiết kế quy chế nội bộ đấu thầu để bảo vệ chính lợi ích nhà đầu tư, ngăn chặn nguy cơ NLĐ-CBCNV lạm dụng để tổ chức mua sắm, bảo vệ lợi ích cá nhân mà ảnh hưởng đến lợi ích công ty. Nhưng quy chế đấu thầu khác nhau vì phụ thuộc vào quy mô, tính chất để thiết kế quy chế đấu thầu cạnh tranh, giảm thiểu rủi ro lợi ích.

Về mặt lợi ích, trong nhiều trường hợp, ví dụ công ty con có sở hữu 50% vốn của 01 DNNN mà nhà nước chỉ sở hữu 50% vốn (tức là 50 của 50) thì lợi ích của nhà nước và tư nhân bằng nhau. Nếu can thiệp cứng sẽ ảnh hưởng lớn đến sự nhanh nhạy, quyền tự chủ SXKD, không phù hợp thực tiễn kinh doanh.

Vấn đề khác nữa là nếu mở rộng thì hậu quả có thể là các doanh nghiệp áp dụng trở nên cứng nhắc, kém cạnh tranh, ảnh hưởng SXKD thì nhà đầu tư bị thiệt, vô hình chung nhà nước bị thiệt, không nâng cao hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết. Chưa kể các nhà đầu tư tư nhân cũng lo lắng, đặc biệt các nhà đầu tư đã cổ phần hóa. Sắp tới đẩy mạnh quyết định của Chính phủ về chủ trương cổ phần hóa thì những nhà đầu tư tương lai sắp tới tham gia cổ phần hóa thế nào? Thậm chí ảnh hưởng đến quá trình cổ phần hóa. Tôi nghĩ không nên mở rộng áp dụng đối với công ty con của DNNN.

Còn nếu mở rông thêm Luật Đấu thầu, trong trường hợp cần thiết thì cùng lắm mở rộng với công ty con có 100% vốn sở hữu của DNNN mà doanh nghiệp nhà nước sở hữu 100% vốn (100 của 100). Cùng với đó mở rộng cả về chủ trương, cơ sở, đường lối, hệ thống pháp luật.

TS Phan Ngọc Trung: Tôi rất đồng tình với quan điểm anh Phan Đức Hiếu, nói thêm trường hợp công ty 100% vốn nhà nước, có lẽ thời điểm này nên được chấp nhận, công ty con của công ty lớn là một thực thể, có trách nhiệm nhất định. Tôi cũng mong cần tăng cường tính minh bạch đấu thầu, số hóa trên mạng và cũng cần xét đến đặc thù mỗi ngành nghề, doanh nghiệp khác nhau cho phù hợp…

Luật sư Nguyễn Thị Hoài Linh: Cần phải đặc thù hóa việc đấu thầu đối với từng ngành nghề. Ví dụ rõ nhất trong thời gian vừa qua trong lĩnh vực y tế, rất nhiều bệnh viện lớn gặp vướng mắc trong việc đấu thầu thuốc men, vật tư y tế, ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng của bệnh nhân. Có một trường hợp tôi từng theo dõi, một công ty có 51% vốn nhà nước, 49% vốn của một cá nhân, thì cá nhân này đã vi phạm về việc đấu thầu. Cá nhân này cho rằng mình có đến 49% vốn thì việc quyết định bỏ vốn của mình để tham gia đấu thầu mua sắm hàng hóa là có cơ sở. Chính vì vậy, nhiều trường hợp doanh nghiệp có 51% vốn nhà nước cũng coi là DNNN sẽ gây ra nhiều bất cập, vì theo tính chất công ty cổ phần coi Nhà nước trong các doanh nghiệp góp vốn ít là một cổ đông có quyền tương đương với các cổ đông khác như Luật Doanh nghiệp đã quy định.

Ngoài ra theo tính pháp lý, hệ thống văn bản luật hiện hành đã quy định rõ ràng về các hành vi vi phạm pháp luật trong việc đấu thầu, vì vậy theo tôi cũng nên có nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục về pháp luật một cách rõ ràng và hiệu quả hơn, để người dân có cơ hội được tiếp cận và hiểu hơn về các vấn đề pháp lý liên quan.

Th.s Đoàn Văn Thuần: 1 trong 2 phương án trên phần nào đã giải quyết được một số vướng mắc mà các dự án đầu tư của ngành Dầu khí đã gặp phải.

Về phương án 1, với doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước có đề xuất đối với quản lý công ty con có 100% vốn của DNNN, tôi đồng ý với quan điểm của anh Phan Đức Hiếu. Quan điểm này phù hợp khi xét trên quan điểm tương thích với hệ thống pháp luật hiện hành. Theo quy định của Luật Dầu khí, một trong những điểm mới là về quản lý‎‎ và sử dụng vốn nhà nước. Thực tế được xác định trên nguyên tắc, nhà nước chỉ quản lý, giám sát chứ không can thiệp sâu vào hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như tự chủ của doanh nghiệp. Thể hiện ở Ủy ban Quản lý‎‎ vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ xem xét, giám sát, còn quyền quyết định thuộc thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng như quyết định đầu tư của Tập đoàn hay các công ty 100% vốn của Tập đoàn.

Thứ hai, về tính đặc thù của các dự án dầu khí. Trong nội dung trên tôi cũng chia sẻ rằng, mỗi dự án, hợp đồng dầu khí đều có quy chế đấu thầu riêng, đảm bảo minh bạch, tự chủ, mỗi dự án có những quy định không hoàn toàn giống nhau. Nếu như không trao quyền tự chủ cho các người điều hành hay các nhà thầu theo các quy định của pháp luật chung về đấu thầu, tôi nghĩ vướng mắc này cũng phát sinh nhiều. Trên cơ sở đó, tôi đồng tình với quan điểm chỉ xem xét với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hoặc xem xét đến doanh nghiệp có sử dụng vốn của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.

Ban Tổ chức tiếp tục nhận được một câu hỏi của độc giả Nguyễn Trọng Khôi (Vũng Tàu): Hầu hết các nước đều có chính sách nội địa hóa, phát triển công nghiệp phụ trợ; Việt Nam cũng có chính sách ưu tiên sử dụng dịch vụ, hàng hóa trong nước. Vậy xin hỏi các khách mời, chuyên gia, chính sách này thể hiện trong Luật Đấu thầu (sửa đổi) như thế nào và cần phải làm gì để chính sách này đi vào thực tế cuộc sống?

TS Phan Ngọc Trung: Thực tiễn để nói thì đây là vấn đề khó, dù mục tiêu là tốt. Ngành dầu khí, nếu quay ngược lại lịch sử các năm 1980 - 1990, các đơn vị dầu khí hầu như không có việc gì ngoài việc đi làm visa (làm thủ tục cho người nước ngoài đến Việt Nam). Nhưng ngược lại, đến ngày nay đã có các công ty làm dịch vụ dầu khí kỹ thuật cao như PTSC, PV Drilling - những công ty đã trưởng thành cùng sự phát triển của ngành Dầu khí. Có thể gọi họ là những công ty mang được tinh hoa của ngành Dầu khí ra quốc tế. Hiện nay, PTSC đang triển khai nhiều dự án ở Trung Đông - nơi mệnh danh là trung tâm dầu khí thế giới. Hay như PV Drilling cách đây 1 - 2 năm có hợp đồng bên Brunei và hiện cũng đang hoạt động tốt. Ngoài ra, còn nhiều công ty khác nữa.

Ở Việt Nam các công ty làm bằng kiến thức, phần mềm của chính họ. Quay ngược lại lịch sử, nếu ngay từ đầu đòi hỏi họ phải biết hết rồi, họ sẽ không thể biết và không thực hiện được. Ví dụ nếu yêu cầu họ phải làm được giàn khoan kiểu này rồi mới được làm giàn tiếp theo, hoặc yêu cầu phải làm giàn theo kiểu nào đó trên thế giới thì với thực tế những ngày đầu của ngành Dầu khí sẽ không thể làm được, sẽ không thể có những PTSC hay PV Drilling như hiện tại. Do đó, quan trọng là sự tài giỏi của những người chịu trách nhiệm trước nhà nước về nguồn vốn của doanh nghiệp, họ dám có những quyết định và chấp nhận các rủi ro. Có thể phải sử dụng 10 gói thầu cho 10 đơn vị có vốn trong nước chưa có kinh nghiệm để có thể có được 3 - 4 đơn vị trong số đó phát triển hơn, thì đó cũng là đáng mừng.

Tóm lại, chúng ta khuyến khích người Việt Nam phải tham gia được nhiều dự án, các công ty Việt Nam có được dự án lớn như các tổng thầu quốc tế. Nhưng chuyện làm thế nào để đưa vào quy định đấu thầu thì theo tôi là không thể vào luật, có thể là các nghị định hoặc giao nhiệm vụ cho các đơn vị có các gói thầu như vậy, vừa được việc, vừa có tính chất đào tạo để có những đơn vị dịch vụ phát triển được.

(LIVE) Tọa đàm
Ban Tổ chức và các diễn giả tham dự Tọa đàm

TS Nguyễn Hồng Minh: Các diễn giả kỳ vọng, mong muốn gì vào Luật Đấu thầu sửa đổi này?

Luật sư Nguyễn Thị Hoài Linh: Trong quy định pháp luật, các quy định phải rõ ràng minh bạch, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài và công ty cổ phần tư nhân phải đấu thầu đều có quy chế riêng của họ và không trái với luật cơ bản.

TS Phan Ngọc Trung: Chúng ta cần đưa ra luật tiến bộ hơn trước, chúng ta phải mạnh dạn đưa vào các nội dung bám theo xu hướng thế giới. Thứ nhất, phải đảm bảo minh bạch sử dụng công nghệ thông tin, IT… Thứ hai, đấu thầu phải đảm bảo về rủi ro, môi trường, cho nền kinh tế xanh.

Th.s Đoàn Văn Thuần: Tôi kỳ vọng Luật của Việt Nam ngày càng nâng cao tính tự chủ cho doanh nghiệp, đảm bảo vai trò của người giám sát, đồng thời tăng cường phân cấp, phân quyền nhiều hơn.

Ông Phan Đức Hiếu: Cảm ơn các ý kiến đóng góp của các diễn giả tại Tọa đàm, với tư cách Đại biểu Quốc hội tôi sẽ cùng trao đổi với các đại biểu khác về các ý kiến của cử tri để góp phần xây dựng Luật Đầu thấu cũng như góp phần vào việc xây dựng hệ thống pháp luật một cách phù hợp, đồng bộ.

Kết luận Tọa đàm - TS Nguyễn Hồng Minh: Vấn đề quản trị doanh nghiệp của chúng ta có phần chưa theo kịp các thông lệ tiên tiến trên thế giới. Mong rằng với cách tiếp cận, xây dựng luật khoa học như thế, chúng ta sẽ có Luật Đấu thầu (sửa đổi) thực sự giải quyết những vướng mắc từng có, thúc đẩy hoạt động của doanh nghiệp mà theo tôi, hoạt động đầu tư là quan trọng nhất, sau đó là mua sắm thường xuyên cho các hoạt động khác nhau. Những hoạt động đó có trơn tru thì kinh tế mới phát triển, cuối cùng mới mang lại lợi ích cho nhà nước và xã hội. Sau nữa là đến các luật khác trên cơ sở chương trình xây dựng của Quốc hội. Mong rằng pháp luật ngày càng tiếp cận vấn đề hỗ trợ cho quản trị của doanh nghiệp ngày càng tiên tiến. Kết quả cuối cùng, chúng ta có hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, hiệu quả, đồng bộ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

(LIVE) Tọa đàm
(LIVE) Tọa đàm
Buổi Tọa đàm được truyền thông trực tuyến trên Tạp chí điện tử PetroTimes.
(LIVE) Tọa đàm

Kết thúc chương trình Tọa đàm, PetroTimes trân trọng cảm ơn các diễn giả tham dự chương trình, cảm ơn quý độc giả đã theo dõi và gửi câu hỏi về cho chương trình!

Theo PetroTimes

Bài viết liên quan

PVC-MS tổ chức Hội nghị tổng kết các mặt công tác năm 2024, triển khai kế hoạch năm 2025 và Hội nghị người lao động năm 2024

Lễ ký kết hợp tác toàn diện giữa PVC-MS và Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Dầu khí Thái Bình (PVC-Thái Bình)

Đối thoại Người lao động định kỳ Tháng 11/2024 tại Ban điều hành dự án MC

PVC-MS nhiệt liệt hưởng ứng tham gia Giải Marathon - Cà Mau 2024 Cúp PetroVietnam

Loạt bài PetroTimes: Phát triển điện gió ngoài khơi Việt Nam - Những gợi mở từ Na Uy

PETROCONs – PVC-MS ghi dấu ấn tại Hội thi An toàn vệ sinh viên giỏi Ngành Dầu khí năm 2024

PVC-MS tổ chức Lễ Khởi công Gói thầu gia công chế tạo Chân đế Lạc Đà Vàng – A

PVC-MS kỷ niệm 41 năm ngày thành lập Công ty (20/10/1983 - 20/10/2024) và 94 năm ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10.

Công đoàn và Ban nữ công PVC-MS tham dự buổi họp mặt do Hội Liên hiệp Phụ nữ Xã Suối Rao, Huyện Châu Đức, Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức

PVC-MS đạt mốc 600.000 giờ làm việc an toàn tại gói thầu thi công chế tạo và cung cấp chân đế điện gió ngoài khơi - Greater Changhua Offshore Wind Farm 2204