PV: Thưa đồng chí Tổng giám đốc, là người đã từng học tập ở Baku trước đây, xin đồng chí cho biết đôi điều tâm sự về đất nước Azerbaijan?
TGĐ Nguyễn Quốc Khánh: Tôi và nhiều thế hệ lãnh đạo cũng như các nhà khoa học dầu khí Việt Nam trước đây và hiện nay đã được học tập ở Trường ĐH Dầu hóa Azerbaijan ở Baku.
Theo con số thống kê chưa thực sự chính xác lắm thì từ thập niên 60 của thế kỷ trước cho đến bây giờ đã có khoảng hơn 2 ngàn sinh viên Việt Nam được cử sang học ở các trường đại học của Azerbaijan, mà ngày ấy là nước cộng hòa thuộc Liên bang Xôviết. Trong đó, có không ít người học Trường Dầu hóa Baku và nhiều người trở thành những nhà khoa học tài giỏi, những người lãnh đạo tài ba, góp phần quan trọng vào việc xây dựng nên Petrovietnam lớn mạnh như ngày nay. Có thể kể ra ở các thế hệ lãnh đạo trước như bác Trần Lê Đông, bác Nguyễn Giao, rồi như anh Trần Ngọc Cảnh, Phùng Đình Thực… và nhiều bác, nhiều anh khác. Còn như thế hệ hôm nay thì có tôi, anh Nguyễn Vũ Trường Sơn - Phó tổng giám đốc Petrovietnam, anh Phan Ngọc Trung - Viện trưởng Viện Dầu khí và nhiều anh đang lãnh đạo một số ban, đơn vị thành viên của Tập đoan.
Tổng giám đốc Nguyễn Quốc Khánh thăm và tặng quà lưu niệm cho thầy Hiệu trưởng Trường đại học Dầu hóa Baku
Và không chỉ giúp Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực, những kỹ sư tài giỏi, những người công nhân lành nghề của Azerbaijan đã sang Việt Nam giúp đỡ chúng ta trên nhiều công trình dầu khí, đặc biệt là từ thập niên 80…
Với riêng tôi, mỗi lần được trở về mái trường xưa là một lần có biết bao cảm xúc khó tả.
Mới ít hôm trước, tôi được trở lại trường, được gặp gỡ các thầy và bạn học, quả thật không có gì diễn tả nổi cảm xúc.
Từ đáy lòng, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn với chính phủ, nhân dân Azerbaijan và đặc biệt là những người thầy trong Trường Dầu khí Baku. Hiện nay, cũng có một số sinh viên Việt Nam theo học ngành Dầu khí tại Baku. Tôi mong muốn rằng những sinh viên Việt Nam tại Baku hiện nay và sau này sẽ cố gắng học tập, kế tục truyền thống hiếu học của các thế hệ đi trước và trở thành những cán bộ nòng cốt cho sự phát triển của Petrovietnam về sau này.
Cũng phải nói thêm là Trường ĐH Dầu hóa ở Baku là trường danh tiếng và có truyền thống lâu đời nhất châu Âu. Đặc biệt, trường rất giỏi đào tạo sinh viên cho khâu đầu - là thăm dò, khai thác.
So với Petrovietnam, ngành Dầu khí của Azerbaijan đã phát triển trước rất xa. Ngành Dầu khí vẫn là ngành công nghiệp quan trọng bậc nhất của Azerbaijan, đóng góp 70% tổng sản phẩm quốc dân. Cũng phải nói thêm rằng, từ năm 1941, Azerbaijan cung cấp tới hơn 70% tổng sản lượng dầu mỏ của Liên Xô. Nguồn năng lượng dồi dào từ Azerbaijan đóng một vai trò quan trọng trong chiến thắng chung của toàn Liên Xô trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Hiện Azerbaijan là nước khai thác dầu mỏ lớn thứ 3 thuộc Liên Xô cũ, sau Nga và Kazakhstan, với trữ lượng dầu được xác minh ước tính lên tới 7 tỉ thùng dầu. Khai thác, xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt là trung tâm tăng trưởng kinh tế của Azerbaijan.
Năm tháng học tập tại Trường ĐH Dầu hóa ở Baku, chúng tôi đã được các thầy là những giáo sư danh tiếng tận tình dạy bảo. Trong những lần đi thực tập tại các mỏ dầu, chúng tôi cũng được những người thợ dầu khí Baku dạy dỗ, truyền đạt lại những kinh nghiệm. Có thể nói rằng, Trường ĐH Dầu hóa Baku là cái nôi đào tạo những cán bộ khoa học kỹ thuật dầu khí Việt Nam.
Chúng tôi hy vọng rằng, với sự hợp tác tới đây của hai nhà nước, giữa Petrovietnam và SOCAR, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Petrovietnam dưới mái trường dầu khí Baku sẽ được phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Chúng tôi cũng mong muốn rằng, những người thợ dầu khí Việt Nam từng được học tập ở mái trường dầu khí Baku sẽ luôn ghi nhớ và trân trọng tình cảm của các thầy cô giáo trong nhà trường đã dành cho các thế hệ sinh viên Việt Nam. Bổn phận của chúng ta là phải làm thế nào để gìn giữ, phát huy những tình cảm tốt đẹp đó, đưa những truyền thống quý báu đó vào những hợp tác về sau.
PV: Thưa đồng chí Tổng giám đốc, Petrovietnam đã có mặt ở các nước như Algeria, Peru, Venezuela và cả vùng cực bắc nước Nga. Vậy tại sao đến tận bây giờ, Petrovietnam vẫn chưa có hợp tác với ngành Dầu khí Azerbaijan, mặc dù về tình cảm, chúng ta đã có những mối quan hệ hữu nghị, hợp tác lâu đời?
TGĐ Nguyễn Quốc Khánh: Thật ra, chúng ta mong muốn được hợp tác với Azerbaijan từ rất lâu rồi. Tuy nhiên, do nhiều điều kiện về địa lý, về chính trị mà nhiều dự định trước đây chưa thành hiện thực.
Cũng phải nói thêm rằng, SOCAR là một trong những công ty dầu khí lớn nhất thế giới hiện nay. SOCAR có 65.000 nhân viên, trong đó có tới một phần ba là kỹ sư, kỹ thuật viên và chuyên gia. SOCAR tham gia toàn diện tất cả các lĩnh vực của ngành công nghiệp dầu khí từ thăm dò, xây dựng mỏ dầu khí, tinh luyện, ngưng tụ đến vận tải dầu khí, sản xuất và bán các sản phẩm hóa dầu. Ngày 18-5-2012, tại Baku, Petrovietnam và SOCAR đã ký Thỏa thuận nguyên tắc của Hợp đồng khôi phục, thăm dò, khai thác dầu khí tại một vài khu vực có tiềm năng dầu khí.
Cuối tháng 4 vừa qua, tôi và đoàn công tác của Petrovietnam đã có buổi gặp gỡ và làm việc với ông Chủ tịch và các lãnh đạo cao cấp khác của SOCAR. Lãnh đạo SOCAR hoan nghênh thiện chí hợp tác của Petrovietnam, đồng thời khẳng định sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để Petrovietnam tham gia hợp tác trong dự án phát triển các mỏ tại biển Caspi và các dự án hợp tác khác mà hai bên quan tâm ở Azerbaijan, ở Việt Nam và các nước thứ ba.
Petrovietnam và SOCAR đã thống nhất sẽ tích cực chuẩn bị nội dung các dự án, cơ hội hợp tác song phương trong lĩnh vực thăm dò - khai thác dầu khí, dịch vụ kỹ thuật dầu khí, cung ứng vật tư và nhân lực phục vụ ngành Dầu khí.
Trong chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Azerbaijan, Petrovietnam và SOCAR đã ký thỏa thuận hợp tác giữa hai tập đoàn.
Chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, sau sự kiện này, sự hợp tác giữa hai bên sẽ đi vào chiều sâu và mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho cả hai phía.
PV: Xin cảm ơn đồng chí Tổng giám đốc!
Theo Năng Lượng Mới