1. Lễ công bố và trao quyết định kiện toàn nhân sự Ban Chấp hành Đảng bộ Công ty Cổ phần PVI
Ngày 8/8, tại trụ sở Công ty CP PVI, Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã công bố và trao quyết định chuẩn y nhân sự Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Bí thư, Phó Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công ty CP PVI.
Đảng ủy Tập đoàn đã chuẩn y đồng chí Nguyễn Xuân Hòa, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT, Tổng giám đốc PVI giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy Công ty CP PVI nhiệm kỳ 2020-2025.
Lãnh đạo Tập đoàn trao quyết định và chúc mừng các đồng chí nhận quyết định
Chuẩn y các Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ PVI giữ chức Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công ty CP PVI nhiệm kỳ 2020-2025: Đồng chí Đặng Tiến Dũng, Chánh Văn phòng Đảng đoàn, Chủ tịch Công đoàn PVI; đồng chí Phạm Anh Đức, Phó Tổng giám đốc PVI; đồng chí Phùng Tuấn Kiên, Phó Tổng giám đốc PVI; đồng chí Hà Lan, Trưởng Ban Kiểm soát PVI.
Chuẩn y đồng chí Đặng Tiến Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Chánh Văn phòng Đảng đoàn, Chủ tịch Công đoàn PVI giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy Công ty CP PVI nhiệm kỳ 2020-2025.
Chuẩn y đồng chí Hà Lan, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Trưởng Ban Kiểm soát PVI tham gia Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy và giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công ty CP PVI nhiệm kỳ 2020-2025.
2. ASCOPE tổ chức thành công Kỳ họp giữa năm lần thứ 6 các Tiểu ban
Từ ngày 2/8-5/8, Kỳ họp giữa năm lần thứ 6 các Tiểu ban Hội đồng Dầu khí ASEAN (ASCOPE) do Tổng thư ký ASCOPE Trần Hồng Nam chủ trì đã được tổ chức thành công tại Bangkok, Thái Lan. Tham dự cuộc họp có hơn 70 thành viên từ các quốc gia thành viên khu vực Đông Nam Á. Đoàn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) bao gồm thành viên Ban Thư ký và đại diện các ban Tập đoàn tham gia các Tiểu ban.
Tổng thư ký ASCOPE Trần Hồng Nam phát biểu điều hành cuộc họp
Tại cuộc họp, Ban Thư ký ASCOPE và các Tiểu ban Thăm dò Khai thác, Khí, Nghiên cứu Chính sách và Xây dựng Năng lực đã cập nhật tiến độ công việc theo các Chỉ số đánh giá hiệu suất trọng yếu (KPI) trong năm 2022 đã được Hội đồng ASCOPE thông qua. Trong xu hướng chuyển dịch năng lượng, thời gian qua ASCOPE đã tái cấu trúc và thành lập Tiểu ban Năng lượng sạch, tập trung vào 4 nội dung chính: Năng lượng tái tạo, Hydrogen, Thu hồi, lưu trữ và sử dụng carbon (CCUS), Di chuyển xanh “Green Mobility”.
Cuộc họp đã ghi nhận những ý kiến đóng góp tích cực và xây dựng từ các thành viên tham dự nhằm thúc đẩy hoạt động của ASCOPE. Tổng thư ký ASCOPE Trần Hồng Nam đánh giá cao đóng góp của các thành viên Tiểu ban và Điều phối viên các nước trong thời gian qua. Các đề xuất hợp tác của IOGP sẽ được ASCOPE nghiên cứu và thảo luận để hiện thực hóa trong thời gian tới.
3. Giao ban CEO tháng 8/2022: Nắm bắt xu hướng, ứng dụng công nghệ trong quản trị biến động, Petrovietnam nâng cao hiệu quả và giữ vững đà tăng trưởng
Chiều ngày 8/8, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) Lê Mạnh Hùng đã chủ trì cuộc họp giao ban điều hành sản xuất kinh doanh (SXKD) thường kỳ tháng 8/2022 trực tuyến với thủ trưởng các đơn vị trong toàn Tập đoàn về kết quả hoạt động tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2022; đồng thời dự báo, cập nhật giải pháp thực hiện các nhiệm vụ trong tháng 8 và những tháng còn lại của năm 2022.
Đảm bảo các hoạt động dầu khí an toàn, ổn định
Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là tiếp tục bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế vĩ mô, quản trị biến động để điều hành hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, giữ vững mục tiêu kế hoạch đặt ra, đặc biệt là trước những diễn biến mới của thị trường, có thể chuyển sang giai đoạn giá dầu giảm, biến động khó lường về địa chính trị.
Với các giải pháp quản trị, điều hành hiệu quả, linh hoạt, đặc biệt là quản trị biến động, phát huy hiệu quả chuỗi giá trị toàn ngành được triển khai quyết liệt, xuyên suốt những năm qua đã giúp Petrovietnam dự báo chính xác, phản ứng kịp thời, linh hoạt trước những biến động, tận dụng và phát huy hiệu quả nguồn lực trong chuỗi giá trị để giảm thiểu thiệt hại từ các tác động tiêu cực, tận dụng tốt cơ hội thị trường, duy trì hoạt động SXKD ổn định, thông suốt, đạt hiệu quả cao. Khắc phục khó khăn về kỹ thuật, khai thác dầu thô tháng 7 đạt 0,9 triệu tấn, vượt 19% kế hoạch (KH) tháng 7; tính chung 7 tháng đạt 6,38 triệu tấn, vượt 22% KH 7 tháng và bằng 73% KH năm 2022. Cùng với đó, sản xuất xăng dầu 7 tháng vượt 8% KH, sản xuất đạm vượt 9% KH. Sản xuất, cung ứng khí, điện, các sản phẩm năng lượng khác đều ở mức cao, đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường; qua đó góp phần bình ổn thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, tăng trưởng kinh tế. Sản xuất và kinh doanh trong các lĩnh vực này đều ghi nhận kết quả rất khả quan.
Các chỉ tiêu tài chính của Tập đoàn duy trì tích cực, giữ đà tăng trưởng cao. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn 7 tháng đầu năm 2022 ước đạt 547,7 nghìn tỷ đồng, vượt 64% so với KH 7 tháng, đạt 98% KH năm và tăng 56% so với cùng kỳ 2021. Nộp ngân sách toàn Tập đoàn 7 tháng ước đạt 79,6 nghìn tỷ đồng, vượt 74% so với KH 7 tháng, vượt 23% KH năm 2022 và tăng 47% so với cùng kỳ 2021.
4. Petrovietnam nghiên cứu về triển vọng của gas hydrate trong quá trình chuyển dịch năng lượng
Ngày 9/8, Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã tổ chức tọa đàm "Cập nhật tình hình tìm kiếm thăm dò gas hydrate trên thế giới và phương hướng tìm kiếm thăm dò gas hydrate ở Việt Nam".
Đại diện các ban trình bày báo cáo
Tại tọa đàm, đại diện Ban Chiến lược Tập đoàn đã trình bày báo cáo "Cập nhật tình hình tìm kiếm thăm dò gas hydrate trên thế giới và phương hướng tìm kiếm thăm dò gas hydrate của Petrovietnam". Báo cáo tập trung vào các nội dung chính: giới thiệu chung về gas hydrate; các phương pháp nghiên cứu, thăm dò và khai thác gas hydrate; cập nhật công tác nghiên cứu, tìm kiếm thăm dò gas hydrate trên thế giới; nghiên cứu, tìm kiếm thăm dò gas hydrate ở Việt Nam của Tập đoàn.
Cũng tại tọa đàm, đại diện Ban Tìm kiếm Thăm dò Dầu khí đã trình bày báo cáo “Triển vọng và định hướng điều tra gas hydrate ở các vùng biển Việt Nam”. Báo cáo đã tóm tắt các kết quả nghiên cứu về gas hydrate tại Việt Nam cũng như dự kiến phương án triển khai thăm dò, khai thác gas hydrate. Báo cáo cũng đánh giá tài nguyên gas hydrate là nguồn nhiên liệu quan trọng góp phần đảm bảo an ninh năng lượng trong tuơng lai. Việc nghiên cứu gas hydate trên Biển Đông còn góp phần khẳng định và bảo vệ quyền chủ quyền.
5. PV Power làm việc với Tokyo Gas
Ngày 9/8, tại Hà Nội, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PV Power) đã có buổi làm việc với Công ty Tokyo Gas.
PV Power và Tokyo Gas là 2 trong số 4 nhà đầu tư được lựa chọn cho công tác đầu tư dự án LNG Quảng Ninh đã khởi động vào tháng 10/2021.
Toàn cảnh buổi làm việc
Tại buổi làm việc, Tổng giám đốc PV Power Lê Như Linh bày tỏ vui mừng khi được đón tiếp ông Takashi Uchida đến làm việc tại PV Power. Ông Lê Như Linh khẳng định Tokyo Gas là một đối tác lớn, mang tầm chiến lược quan trọng đối với PV Power trong bối cảnh khí LNG đang trở thành xu hướng mới của thế giới. Tổng giám đốc PV Power mong muốn hai bên sẽ có thể hợp tác cùng nhau lâu dài, không chỉ ở dự án lần này mà còn ở nhiều lĩnh vực khác trong tương lai.
Cũng tại buổi làm việc, đại diện hai bên đã có những trao đổi cụ thể về việc đẩy nhanh tiến độ của dự án LNG Quảng Ninh, một dự án quan trọng được Chính phủ và chính quyền tỉnh Quảng Ninh hết sức quan tâm tại thời điểm này.
6. BIENDONG POC và PQPOC chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi số
Vừa qua, tại TP Hồ Chí Minh, Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (BIENDONG POC) và Công ty Điều hành Dầu khí Phú Quốc (PQPOC) đã phối hợp tổ chức thành công buổi hội thảo trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi số.
Toàn cảnh buổi hội thảo.
Tại hội thảo, BIENDONG POC đã giới thiệu tổng quan về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của công ty trong thời gian qua với những cột mốc đáng tự hào. Góp phần vào những kết quả đó là những bước tiến vượt bậc trong công tác chuyển đổi số (CĐS) mà BIENDONG POC đã và đang nỗ lực triển khai.
Về phía PQPOC, thực hiện theo Nghị quyết CĐS của Đảng ủy Tập đoàn, đơn vị cũng đã xây dựng kế hoạch và lộ trình CĐS tương đối rõ ràng với bức tranh toàn cảnh rất vĩ mô, mang tính đồng bộ và thống nhất cao. Vì đặc thù cùng là chi nhánh Tập đoàn, đang hoạt động trong lĩnh vực E&P, PQPOC cho rằng việc học hỏi từ những đơn vị đi trước như BIENDONG POC là rất hữu ích trong công tác CĐS. Những kinh nghiệm của BIENDONG POC sẽ là bài học quý để PQPOC tham khảo, học tập, đặc biệt là thực hiện một cách trọng tâm: "Đi từ thấp tới cao, từ đơn giản đến phức tạp; việc gì dễ lan tỏa, hiệu quả cao thì làm trước; phức tạp, chi phí lớn làm sau”, giúp tiết kiệm thời gian trong lộ trình CĐS.
7. CĐ DKVN tiếp tục đổi mới hoạt động, đẩy mạnh chương trình “1 triệu sáng kiến”
Ngày 10/8, Công đoàn Dầu khí Việt Nam (CĐ DKVN) đã tổ chức hội nghị tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về việc “Đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” và đánh giá công tác triển khai chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” giai đoạn 2.
Toàn cảnh hội nghị
Kết luận hội nghị, Chủ tịch CĐ DKVN Nghiêm Thùy Lan nhấn mạnh, Nghị quyết số 02-NQ/TW là Nghị quyết đặc biệt quan trọng của Bộ Chính trị, đây là sẽ cơ sở để tạo điều kiện lớn cho hoạt động của tổ chức Công đoàn Việt Nam nói chung, CĐ DKVN nói riêng trong tình hình mới. Chính vì ý nghĩa quan trọng đó, Đảng ủy Tập đoàn và CĐ DKVN sẽ tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này trong toàn Đảng bộ Tập đoàn và toàn hệ thống Công đoàn ngành Dầu khí.
Chủ tịch CĐ DKVN Nghiêm Thùy Lan yêu cầu các cấp công đoàn ngành Dầu khí tập trung triển khai các nhiệm vụ cụ thể; Tổ chức quán triệt Nghị quyết số 02-NQ/TW trong toàn hệ thống, tới từng ĐV, NLĐ nắm bắt tinh thần, mục tiêu, nội dung của Nghị quyết. Các công đoàn trực thuộc ngay trong tháng 8 phải hoàn thành việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình hành động của CĐ DKVN, xây dựng kế hoạch thực hiện và phổ biến tới người lao động.
Chủ tịch CĐ DKVN khẳng định phong trào thi đua “lao động sáng tạo” đã trở thành nét đẹp truyền thống, thế mạnh của ngành Dầu khí cũng là niềm tự hào của người lao động dầu khí. Vì vậy, trong thời gian tới, lãnh đạo CĐ DKVN mong muốn các đơn vị, người lao động dầu khí sẽ tiếp tục quyết tâm, phát huy thành tích, bản lĩnh, năng lực, trí tuệ của mình để tiếp tục có những sáng kiến, sáng chế đóng góp cho chương trình cũng như đóng góp vào sự phát triển chung của ngành Dầu khí, của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
8. Bế mạc Hội thi tay nghề Dầu khí lần thứ VII năm 2022: Tiếp tục khẳng định “khối óc và bàn tay vàng” của những người lao động Dầu khí
Chiều 10/8, tại cơ sở Trường Cao đẳng Dầu khí - PVMTC (TP Bà Rịa), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã tổ chức Lễ bế mạc và trao giải Hội thi tay nghề Dầu khí lần thứ VII năm 2022.
Các đại biểu tham quan sản phẩm đoạt giải tại Hội thi tay nghề Dầu khí Lần VII
Sau 5 ngày thi tài, kết quả có 102 thí sinh đạt giải cá nhân, trong đó có 16 thí sinh đạt giải Nhất, 16 thí sinh đạt giải Nhì, 33 thí sinh đạt giải Ba và 37 thí sinh đạt giải Khuyến khích. Có 5 giải tập thể, trong đó Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) đạt giải Nhất toàn đoàn; Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro đạt giải Nhì toàn đoàn; Tổng công ty CP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling) đạt giải Ba toàn đoàn; Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) và Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) và Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đồng giải Khuyến khích toàn đoàn.
Phát biểu bế mạc hội thi, ông Đỗ Chí Thanh - Phó Tổng giám đốc Petrovietnam, Trưởng Ban Tổ chức hội thi tin tưởng rằng, hội thi lần này sẽ tiếp tục tác động lên ý thức trách nhiệm nghề nghiệp, tiềm năng chuyên môn trong mỗi người lao động dầu khí và càng thổi bùng lên phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, luyện tay nghề, rèn thợ giỏi để xây dựng được một đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân kỹ thuật dầu khí có trình độ chuyên môn cao, tay nghề vững, đáp ứng được nhu cầu phát triển nhanh, mạnh, bền vững của Tập đoàn và tạo ra lợi thế cạnh tranh từ nguồn nhân lực để các đơn vị tiếp bước vươn xa ra biển lớn trong xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, thực hiện thành công giải pháp phát triển nguồn nhân lực và Chiến lược phát triển của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.
9. Dự án NMNĐ Thái Bình 2 còn nhiều thách thức nhưng phải thực hiện cho được mục tiêu!
Ngày 13/8, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng kiểm tra, đôn đốc tiến độ dự án Nhiệt điện Dầu khí Thái Bình 2.
Theo báo cáo mới nhất của Tổng thầu dự án, tiến độ tổng thể dự án đạt 95,78%, chậm 2% so với kế hoạch. Đây là giai đoạn dự án cực kỳ phức tạp khi cùng lúc phải triển xây lắp khai hàng loạt hạng mục trên đường găng tiến độ như hệ thống vận chuyển than, hệ thống thải tro xỉ và các hệ thống khử Nox, Sox, lọc bụi tĩnh điện, … Đồng thời vận hành chạy thử cả 2 tổ máy chính của dự án.
Đoàn công tác Tập đoàn đã kiểm tra thực tế và đôn đốc tiến độ tại các hạng mục gồm kho than nhà máy, hệ thống cảng nhận than và hệ thống lò hơi phụ, hệ thống máy nghiền than của nhà máy.
Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng chỉ đạo khẩn trương lấy lại tiến độ cảng nhận than
Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng yêu cầu Ban QLDA, Tổng thầu PETROCONs cần tập trung hơn nữa vào công tác quản trị; Công tác kiểm tra giám sát phải kịp thời, chi tiết, cụ thể; Huy động mọi nguồn lực từ nhân sự đến kỹ thuật cho công tác bảo dưỡng sửa chữa tại dự án; Quản lý Tổng mức đầu tư và tài chính phải ưu tiên đầu tiên đưa dự án vào hoạt động sớm nhất; Ban QLDA, Tổng thầu PETROCONs và các nhà thầu phải tách nhóm việc của hạng mục hệ thống băng tải, vận chuyển than để thống nhất kế hoạch bàn giao, tiếp nhận, phối hợp chạy thử, vận hành bảo đảm đồng bộ, đúng tiến độ; làm rõ trách nhiệm từng bên, ký kết giao ước cụ thể báo cáo kết quả cho lãnh đạo Tập đoàn vào ngày 20/8/2022.
Theo Petrotimes