Các sự kiện nổi bật của Petrovietnam trong tuần từ ngày 31/7 đến 7/8/2022
Ngày đăng: 08/08/2022

Các sự kiện nổi bật của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) trong tuần từ ngày 31/7 đến 7/8/2022.

  1. Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức hội thảo lấy ý kiến về Luật Dầu khí (sửa đổi): 8 nội dung sửa đổi chính

Ngày 2/8, tại Đà Nẵng, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến đại biểu về Luật Dầu khí (sửa đổi).

TD1.jpg

Toàn cảnh hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) tại Đà Nẵng

Tại hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã cung cấp những thông tin liên quan đến Luật Dầu khí (sửa đổi) để các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến. Các đại biểu Quốc hội cũng đã tập trung thảo luận vào 8 nội dung sửa đổi chính trong Luật gồm: Áp dụng Luật Dầu khí và các luật liên quan; đối tượng, chính sách ưu đãi, chính sách khai thác tận thu dầu khí; đề xuất hợp đồng dầu khí mới trước khi hợp đồng dầu khí hết thời hạn và tiếp nhận mỏ, khu mỏ, lô dầu khí từ nhà thầu khi hợp đồng dầu khí hết thời hạn; dự án phát triển mỏ dầu khí trên đất liền, dự án phát triển dầu khí có hàm lượng công trình ở trên đất liền; lập thẩm định kế hoạch, đại cương phát triển mỏ dầu khí, kế hoạch mỏ dầu khí, kế hoạch khai thác sâu các mỏ dầu khí đầu tư xây dựng trên đất liền.

Đồng thời, các đại biểu cũng thảo luận về lĩnh vực phê duyệt hợp đồng dầu khí - căn cứ pháp lý để triển khai các hoạt động dầu khí; chức năng, quyền và nghĩa vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong kiểm tra cơ bản về dầu khí, hoạt động dầu khí và quản lý nhà nước về dầu khí, trách nhiệm của cơ quan đại diện, chủ sở hữu.

  1. BSR: Nộp ngân sách Nhà nước cao nhờ crack margin tốt và quản trị biến động hiệu quả

Ngày 2/8, Đoàn công tác của Quốc hội đã có buổi làm việc tại Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR).

Kể từ khi đi vào vận hành vào năm 2009 đến hết quý II/2022, BSR đã sản xuất hơn 80,1 triệu tấn sản phẩm; tổng doanh thu đạt 1,345 triệu tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 195 nghìn tỷ đồng. Kết quả sản xuất kinh doanh từ năm 2009 đến nay đã chứng minh rằng việc đầu tư Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ; góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, gia tăng ngân sách cho quốc gia, thúc đẩy kinh tế ở khu vực miền Trung…

TD2.jpg

Đoàn công tác của Quốc hội tặng quà cho người lao động NMLD Dung Quất

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh: Hiện nay, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đang phối hợp với Bộ Công Thương chủ trì xây dựng Luật Dầu khí (sửa đổi). Tuy phạm vi điều chỉnh của Luật Dầu khí có phạm vi điều tra cơ bản về dầu khí và các hoạt động ở khâu thượng nguồn. Trong quá trình thực hiện, Quốc hội tiếp tục lắng nghe, nghiên cứu đồng hành cùng các doanh nghiệp trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) đạt chất lượng cao nhất. Quốc hội mong muốn rằng tất cả các luật, trong đó có Luật Dầu khí (sửa đổi) sẽ giúp nâng cao tính minh bạch, cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế. Và đặc biệt, hoàn thiện hành lang pháp lý tạo thuận lợi cho các hoạt động dầu khí, tạo điều kiện cho các chuỗi giá trị dầu khí bền vững, thích ứng với biến động kinh tế vĩ mô và xu hướng chuyển dịch năng lượng của thế giới hiện nay.

  1. Kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2022), lãnh đạo Petrovietnam chúc mừng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

Nhân dịp kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2022), ngày 2/8, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Công đoàn Dầu khí Việt Nam (CĐ DKVN) đã có buổi gặp mặt và chúc mừng Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng LĐLĐVN).

TD3.jpg

Lãnh đạo Petrovietnam chúc mừng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

Thay mặt lãnh đạo Tập đoàn, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng chúc mừng Tổng LĐLĐVN nhân dịp kỷ niệm 93 năm ngày thành lập. Trong suốt gần một thế kỷ qua, Tổng LĐLĐVN luôn là mái nhà, địa chỉ tin cậy, luôn chăm lo, quan tâm, hỗ trợ đội ngũ cán bộ, đoàn viên, người lao động trên cả nước trong đó có ngành Dầu khí Việt Nam, CĐ DKVN.

Trong thời gian tới, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam mong muốn Tổng LĐLĐVN tiếp tục quan tâm, hỗ trợ Tập đoàn, CĐ DKVN thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác chăm lo cho đời sống cán bộ, đoàn viên, người lao động ngành Dầu khí Việt Nam.

  1. Petrovietnam công bố và trao quyết định bổ nhiệm lại Giám đốc và Phó giám đốc PVNDB

Ngày 3/8 tại Hà Nội, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã tổ chức lễ công bố và trao quyết định bổ nhiệm lại Giám đốc và Phó giám đốc Chi nhánh Phân phối sản phẩm Lọc dầu Nghi Sơn (PVNDB).

TD4.jpg

Lãnh đạo Petrovietnam chụp ảnh lưu niệm với tập thể lãnh đạo PVNDB

Tại buổi lễ, ông Phan Anh Minh - Trưởng ban Tổ chức và Quản trị nguồn nhân lực Tập đoàn đã công bố các quyết định của HĐTV và Tổng giám đốc Tập đoàn bổ nhiệm lại có thời hạn với ông Phan Kiến Anh giữ chức Giám đốc PVNDB; quyết định bổ nhiệm lại có thời hạn đối với ông Huỳnh Nguyễn Bạch Tuyên và ông Đinh Văn Ngữ giữ chức Phó giám đốc PVNDB.

Đặc biệt, lễ trao quyết định hôm nay cũng chính là ngày kỷ niệm 5 năm thành lập Chi nhánh Phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn (3/8/2017 - 3/8/2022), thay mặt lãnh đạo Tập đoàn, Chủ tịch HĐTV Hoàng Quốc Vượng đã biểu dương, ghi nhận, gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới tập thể lãnh đạo, đội ngũ cán bộ nhân viên, người lao động PVNDB về những thành tích đã đạt được.

Tính đến hết tháng 7/2022, PVNDB đã thực hiện bao tiêu 20,14 triệu tấn sản phẩm xăng dầu các loại, thương hiệu PVNDB cũng đã khẳng định và có uy tín cao đối với các thương nhân đầu mối xăng dầu trên cả nước; đội ngũ người lao động PVNDB ngày càng trưởng thành, năng động sáng tạo thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

  1. Petrovietnam trao đổi hợp tác với Tập đoàn Bảo Việt

Ngày 3/8, tại trụ sở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), lãnh đạo Petrovietnam đã có buổi làm việc, trao đổi hợp tác với Tập đoàn Bảo Việt.

TD5.jpg

Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng tặng tranh lưu niệm cho Chủ tịch HĐQT Bảo Việt Đào Đình Thi

Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng cảm ơn những thông tin, trao đổi, giới thiệu về các sản phẩm dịch vụ của Tập đoàn Bảo Việt. Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hoạt động theo mô hình công ty dầu khí quốc gia, vì vậy Petrovietnam phải sử dụng dịch vụ tốt nhất, cạnh tranh nhất, đảm bảo đúng quy định pháp luật để có thể mang lại lợi ích tốt nhất cho Tập đoàn cũng là mang lại lợi ích cho đất nước.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Petrovietnam luôn xác định việc đảm bảo quyền lợi, lợi ích, thu nhập cho người lao động là mục tiêu lớn nhất để người lao động yên tâm, gắn bó với công việc, tạo động lực để cống hiến cho đơn vị, cho Tập đoàn. Vì vậy, lãnh đạo Petrovietnam mong muốn Petrovietnam và Bảo Việt sẽ cùng nghiên cứu, hợp tác để có các sản phẩm dịch vụ tốt, hiệu quả nhất, mang lại lợi ích nhiều nhất cho người lao động, cho Tập đoàn cũng như các đơn vị. Trong thời gian tới, Petrovietnam và Bảo Việt sẽ tiếp tục nghiên cứu phương án hợp tác trên các lĩnh vực để có định hướng cho các mục tiêu dài hạn hơn để cả hai tập đoàn hợp tác cùng phát triển.

  1. Ủy ban Kinh tế Quốc hội và Bộ Công Thương lấy ý kiến về Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi): Tập trung vào đặc thù của ngành Dầu khí

Để chuẩn bị báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 14 (tháng 8/2022) và trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 4 (Tháng 10/2022), ngày 3/8, tại TP HCM, Ủy ban Kinh tế Quốc hội phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức hội thảo lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia và một số cơ quan hữu quan, doanh nghiệp về dự án Luật này.

TD6.jpg

Toàn cảnh Hội thảo

Tại hội thảo, đồng chí Đặng Hoàng An - Thứ trưởng Bộ Công Thương đã trao đổi lại một số nội dung trong những phiên thảo luận trước đó, đồng thời trình bày sơ lược dự thảo mới nhất Luật Dầu khí (sửa đổi) ngày 29/7/2022, nhấn mạnh những điểm mới trong dự thảo như: Xây dựng thêm cơ chế ưu đãi để thu hút đầu tư vào ngành dầu khí; tăng cường phân cấp phân quyền; áp dụng Luật Dầu khí và các luật liên quan, đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ của pháp luật; bổ sung thêm trách nhiệm về giám sát, kiểm tra của các bộ, ngành liên quan…

Có 13 ý kiến đóng góp trực tiếp tại hội thảo, các đại biểu đều khẳng định tính cấp thiết phải sửa đổi Luật Dầu khí và đánh giá cao dự thảo Luật mới nhất đã cơ bản tích hợp được các ý kiến, đáp ứng được các mục tiêu đề ra. Các đại biểu cũng thảo luận, góp ý điều chỉnh một số nội dung nhằm tiếp tục cụ thể hóa, làm rõ hơn, hoàn chỉnh nội dung dự thảo Luật, như: Phạm vi điều chỉnh, ưu đãi đầu tư, cơ chế chính sách đặc thù, chính sách tận thu, dự án chuỗi trong dầu khí, sử dụng ngôn ngữ trong hợp đồng dầu khí, phân cấp phân quyền, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý, vấn đề quốc phòng, an ninh…

  1. Chủ tịch HĐTV Petrovietnam tiếp Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam: Thúc đẩy hợp tác trong chuyển dịch năng lượng

Ngày 3/8, tại trụ sở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Chủ tịch HĐTV Hoàng Quốc Vượng đã có buổi tiếp và làm việc với Ngài Marc E. Knapper - Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Hoa Kỳ tại Việt Nam.

TD7.jpg

Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng tặng quà lưu niệm cho ngài Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam

Tại buổi tiếp, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hoàng Quốc Vượng chào mừng ngài Đại sứ và đoàn đến làm việc với Petrovietnam và chúc mừng Đại sứ Marc E.Knapper bắt đầu nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam.

Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hoàng Quốc Vượng mong muốn trong thời gian tới quan hệ hợp tác giữa Petrovietnam và các doanh nghiệp Hoa Kỳ sẽ ngày một phát triển và đạt được những thành quả thiết thực hơn nữa. Chủ tịch cũng đề xuất với Ngài Đại sứ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp hai bên nghiên cứu, tìm kiếm cơ hội đầu tư như các dự án phát triển điện gió ngoài khơi; lĩnh vực đào tạo, cung cấp dịch vụ, hỗ trợ kỹ thuật; phát triển hydro xanh… nhằm mang lại lợi ích cho các bên, góp phần tích cực trong việc tăng cường quan hệ hợp tác Việt Nam và Hoa Kỳ.

  1. Petrovietnam và Vietcombank ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện

Ngày 4/8, tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện.

TD8.jpg

Lãnh đạo Petrovietnam và Vietcombank tại Lễ ký kết

Theo thỏa thuận hợp tác, Vietcombank và Petrovietnam tăng cường hợp tác toàn diện thông qua việc Petrovietnam sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của Vietcombank trên cơ sở chính sách giá phí cạnh tranh, trọng tâm đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực như: Ngân hàng bán buôn, bao gồm các dịch vụ thanh toán và quản lý dòng tiền, thu xếp vốn và tài trợ dự án đầu tư, sản phẩm tiền gửi, tín dụng, ngoại hối; Ngân hàng đầu tư, Ngân hàng bán lẻ. Ngoài ra, Vietcombank sẽ xem xét tài trợ vốn và cung cấp các sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho các đơn vị thành viên của Petrovietnam.

Trên cơ sở các điều khoản của thỏa thuận, toàn bộ hệ thống Vietcombank cùng Petrovietnam và các đơn vị thành viên sẽ cụ thể hóa các nội dung, sản phẩm dịch vụ hợp tác, tổ chức thực hiện để đạt được các mục tiêu đề ra.

Petrovietnam và Vietcombank có quan hệ giao dịch từ năm 1997. Trong hơn 25 năm qua, Vietcombank và Petrovietnam đã xây dựng mối quan hệ hợp tác hiệu quả, tin cậy lẫn nhau, cùng nhau đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực.

  1. Top 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam năm 2022: PV GAS, PVFCCo, PVCFC, PETROSETCO được vinh danh

Chiều ngày 4/8 tại TP Hồ Chí Minh, Forbes Việt Nam long trọng tổ chức Lễ vinh danh 50 doanh nghiệp niêm yết tốt nhất Việt Nam năm 2022. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có 4 đơn vị được tôn vinh gồm Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS, mã GAS), Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (PVFCCo, mã DPM), Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC, mã DCM) và Tổng công ty CP Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (PETROSETCO, mã PET).

TD9.jpgTop 50 doanh nghiệp niêm yết tốt nhất Việt Nam năm 2022

Đây là giải thưởng uy tín thường niên do Forbes Việt Nam thực hiện nhằm tôn vinh những doanh nghiệp không chỉ dẫn đầu trong lĩnh vực hoạt động của mình mà còn xác lập được vị thế cạnh tranh trên thị trường. Lễ tôn vinh của Forbes ghi nhận kết quả của quá trình liên tục đổi mới, sáng tạo để kiến tạo nên những giá trị thịnh vượng và bền vững của doanh nghiệp, khẳng định những đóng góp to lớn mà các đơn vị này đã, đang và sẽ đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, khu vực và cả nước.

Từ những kết quả đã đạt được, 4 đơn vị ngành Dầu khí hoàn toàn đáp ứng được những tiêu chí khắt khe của Forbes với mức phát triển bền vững, nguồn gốc lợi nhuận minh bạch, rõ ràng và có hệ thống, chất lượng quản trị không ngừng được cải cách nâng cao nhờ ứng dụng thành tựu công nghệ và đổi mới tư duy… Bên cạnh đó, các đơn vị còn được tờ tạp chí danh tiếng nhìn nhận về vai trò của doanh nghiệp đối với cộng đồng thông qua chuỗi các hoạt động an sinh xã hội được thực hiện thường xuyên và nhiều ý nghĩa.

  1. PVEP, Cửu Long JOC: Kỳ vọng Luật Dầu khí (sửa đổi) sẽ tạo bước đột phá về cơ chế

Ngày 5/8, tại TP Vũng Tàu, đoàn công tác của các đại biểu quốc hội, các cơ quan thông tấn, báo chí đã có buổi tham quan và làm việc với Công ty Liên doanh Điều hành Dầu khí Cửu Long (Cửu Long JOC), đơn vị thành viên của Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP).

TD10.jpg

Giới thiệu với đoàn công tác về kho vật tư, thiết bị Cửu Long JOC

Đoàn có công tác đã tham quan văn phòng làm việc, kho vật tư thiết bị của Cửu Long JOC tại Vũng Tàu, tìm hiểu về thiết bị khoan, khai thác, bảo quản mẫu địa chất và tham quan Cảng Dầu khí PTSC. Qua đó, đoàn đã được giới thiệu thông tin về hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí nói chung và của Cửu Long JOC nói riêng.

PVEP, Cửu Long JOC và các nhà đầu tư nước ngoài bày tỏ sự kỳ vọng rất lớn Luật Dầu khí (sửa đổi) sẽ góp phần tháo gỡ những vướng mắc, góp phần làm minh bạch, tạo bước đột phá về mặt cơ chế, để không bị tụt hậu so thế giới, khu vực, góp phần thu hút đầu tư từ bên ngoài, cũng như phát huy được nguồn lực nội tại, thúc đẩy đầu tư vào ngành Dầu khí nói chung, đặc biệt là đầu tư ở lĩnh vực khâu đầu (tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí) nói riêng, tiếp tục khai thác hiệu quả tài nguyên quốc gia, đóng góp cho sự phát triển bền của đất nước.

  1. Tưng bừng khai mạc Hội thi tay nghề Dầu khí lần thứ VII

Sáng ngày 6/8, tại cơ sở Bà Rịa của Trường Cao đẳng Dầu khí (PVMTC), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) long trọng tổ chức Hội thi tay nghề Dầu khí lần thứ VII năm 2022. Hội thi là một trong số các hoạt động thiết thực kỷ niệm 47 năm ngày thành lập Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (3/9/1975 - 3/9/2022).

TD11.jpg

Lãnh đạo Tập đoàn cùng các đại biểu đi kiểm tra công tác chuẩn bị Hội thi

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng cho biết, trong nhiều năm qua, để thực hiện Chiến lược phát triển Petrovietnam, Tập đoàn luôn quan tâm đến công tác đào tạo, phát triển nguồn lực “con người”. Tập đoàn đã đặc biệt quan tâm, nghiên cứu, xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách về đào tạo, thu hút đãi ngộ, trọng dụng đối với nguồn nhân lực dầu khí.

Hội thi diễn ra trong 5 ngày từ 6/8/2022 đến 10/8/2022 tại cơ sở Bà Rịa của Trường Cao đẳng Dầu khí (PVMTC). Hội thi năm nay thu hút nhiều hơn sự quan tâm của người lao động dầu khí và các đơn vị, với sự tham gia của 223 thí sinh (nhiều hơn hội thi lần thứ VI 32 thí sinh), dự thi 12 nghề được lựa chọn từ Hội thi tay nghề cấp cơ sở. Các thí sinh đề từ 13 đơn vị thuộc Tập đoàn gồm: Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP), Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro (VSP), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL), Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower), Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC), Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS), Tổng công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling), Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC), Tổng công ty CP Vận tải Dầu khí (PVTrans), Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí (PETROCONs), Tổng công ty Phân bón và hóa chất Dầu khí (PVFCCo), Trường Cao đẳng Dầu khí (PVMTC).

  1. BSR và BIENDONG POC đẩy mạnh hợp tác lĩnh vực bảo dưỡng sửa chữa

Ngày 5/8, tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) và Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (BIENDONG POC) đã tổ chức buổi hội thảo về lĩnh vực bảo dưỡng sửa chữa (BDSC).

TD12.jpg

BSR và BIENDONG POC trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo dưỡng sửa chữa

Đại diện Ban BDSC BSR cũng đã giới thiệu với Công ty BIENDONG POC về bảo dưỡng tiên đoán, bao gồm: Phân tích rung động; phân tích dầu bôi trơn; chẩn đoán motor điện, kỹ thuật phóng điện cục bộ.

Đại diện BIENDONG POC cũng giới thiệu công nghệ bảo dưỡng tiên đoán mà BIENDONG POC đang áp dụng cho các giàn khai thác ngoài khơi. Bảo dưỡng tiên đoán sẽ tối ưu hóa hệ số làm việc và khai thác thiết bị; giảm thiểu hỏng hóc; tối ưu sử dụng vật tư, phát hiện nguyên nhân hỏng hóc; giám sát thông số; giảm thiểu rủi ro…

BIENDONG POC cũng tăng cường nghiên cứu, áp dụng công nghệ 4.0 và trí tuệ nhân tạo để nâng cao hiệu quả công tác tìm kiếm thăm dò và phát triển khai thác mỏ.

Theo Petrotimes

Bài viết liên quan

Petrotimes - Petrovietnam - Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia "vươn mình" trong kỷ nguyên mới

PVC-MS tổ chức Hội nghị tổng kết các mặt công tác năm 2024, triển khai kế hoạch năm 2025 và Hội nghị người lao động năm 2024

Lễ ký kết hợp tác toàn diện giữa PVC-MS và Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Dầu khí Thái Bình (PVC-Thái Bình)

Đối thoại Người lao động định kỳ Tháng 11/2024 tại Ban điều hành dự án MC

PVC-MS nhiệt liệt hưởng ứng tham gia Giải Marathon - Cà Mau 2024 Cúp PetroVietnam

Loạt bài PetroTimes: Phát triển điện gió ngoài khơi Việt Nam - Những gợi mở từ Na Uy

PETROCONs – PVC-MS ghi dấu ấn tại Hội thi An toàn vệ sinh viên giỏi Ngành Dầu khí năm 2024

PVC-MS tổ chức Lễ Khởi công Gói thầu gia công chế tạo Chân đế Lạc Đà Vàng – A

PVC-MS kỷ niệm 41 năm ngày thành lập Công ty (20/10/1983 - 20/10/2024) và 94 năm ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10.

Công đoàn và Ban nữ công PVC-MS tham dự buổi họp mặt do Hội Liên hiệp Phụ nữ Xã Suối Rao, Huyện Châu Đức, Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức