Vừa qua, tại Bình Thuận, Tập đoàn Enterprize Energy (EE) đã tổ chức Lễ công bố Giấy phép khảo sát dự án ThangLong Wind - khu vực ngoài khơi mũi Kê Gà, Bình Thuận với tổng mức đầu tư khoảng 12 tỉ USD.
Đột phá mới cho nền kinh tế Việt Nam
Ngày 25/11/2015, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2068/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Các chuyên gia đến từ tập đoàn EE
Nội dung chính của Chiến lược là khuyến khích huy động mọi nguồn lực để đẩy mạnh phát triển và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội bền vững và phát triển và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo góp phần thực hiện các mục tiêu môi trường bền vững và phát triển nền kinh tế xanh. Căn cứ trên chủ trương này, dự án ThangLong Wind - khu vực ngoài khơi mũi Kê Gà, Bình Thuận, đã ra đời.
Trên thực tế, việc đầu tư xây dựng cánh đồng gió ngoài khơi mũi Kê Gà đã được nhà đầu tư EE ấp ủ và nghiên cứu nhiều năm. Những nghiên cứu ban đầu của nhà đầu tư cho kết quả đầy triển vọng trên một vùng biển có diện tích hơn 2.000 km2, cách xa đất liền tối thiểu 20km ngoài khơi tỉnh Bình Thuận, tính từ mũi Kê Gà.
Đáng lưu ý là các turbine sử dụng trong dự án có thể có công suất khác nhau, trong đó những tuabin gió đầu tiên được xây dựng có công suất 9,5MW. Trong suốt quá trình xây dựng của từng giai đoạn, công suất các tuabin sẽ còn tăng lên với sự phát triển của công nghệ turbine gió. Trong tương lai, với dự án này, Việt Nam có thể trở thành quốc gia có công trình điện gió với công nghệ tân tiến nhất trên thế giới.
Đáng chú ý, tham gia tổ hợp nhà thầu thực hiện dự án có hai nhà thầu chịu trách nhiệm chính về xây lắp cho toàn bộ dự án cả trên bờ và dưới biển là hai đơn vị thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam: Liên doanh Việt Nga - Vietsovpetro (Vietsovpetro) và Công ty Cổ phần Kết cấu Kim loại và Lắp máy Dầu khí (PVC-MS) - đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam.
Nếu Vietsovpetro là "Anh cả đỏ" của ngành Dầu khí Việt Nam với bề dầy truyền thống và kinh nghiệm trong thăm dò khai thác dầu khí thì PVC - MS là một trong những nhà thầu chủ lực chuyên ngành thiết kế, lắp dựng cho các chân đế, giàn khoan và hệ thống kết cấu kim loại của các công trình trên biển. Có thể kể đến loạt giàn DK1, các giàn khoan khai thác tại các mỏ Sư Tử Nâu, Sư Tử Vàng, Thiên Ưng... Đặc biệt PVC - MS được các nhà đầu tư thăm dò khai thác dầu khí đánh giá là một trong những nhà thầu tin cậy trong các hoạt động xây lắp trên biển.
Khẩn trương khảo sát đánh giá dự án
Một trong những nền tảng của công nghiệp điện gió là phải đo được lượng gió tại địa điểm dự định đặt các turbine. Chính vì vậy, EE dự kiến tiến hành khảo sát và thu thập số liệu gió trong thời gian liên tục 12 tháng. Dữ liệu đo gió sẽ được thu thập từ cột khí tượng trên đảo Phú Quý và thiết bị đo gió lắp trên các giàn khoan khai thác dầu lân cận vùng dự án điện gió và một số thiết bị phao nổi đo gió. Độ cao đo gió lên tới 200m so với mực nước biển. Trong đó, các thông số quan sát gồm hướng gió, tốc độ gió. Các tham số quan sát được ghi tự động liên tục, các giá trị tối đa/tối thiểu đều được ghi lại trong quá trình quan sát.
Lãnh đạo PVC cùng các nhà thầu tham gia dự án Điện gió Thăng Long ra mắt tại lễ công bố giấy phép khảo sát
Một số khảo sát quan trọng khác như địa vật lý, công trình cũng được khẩn trương tiến hành để thực hiện các công việc quan trong như xây lắp tuyến cáp điện truyền tải và khu vực phát triển điện gió ngoài khơi, khoan lấy mẫu thí nghiệm hiện trường. Các khảo sát này sẽ tiến hành đo độ sâu đáy biển, khảo sát địa hình đáy biển, đo địa chấn nông và khảo sát từ tính. Các lỗ khoan lấy mẫu phải thực hiện dưới độ sâu khoảng 80m dưới đáy biển để đánh giá điều kiện địa chất đáy biển.
Đặc biệt, EE cũng tiến hành nghiên cứu và khảo sát môi trường dưới nước, khảo sát sinh thái biển… trong khu vực 2800km2 quanh dự án. Trong đó, khu vực dự án chỉ gồm 2800km2 (khu vực đặt turbine và khu vực cáp điện ngầm truyền tải về bờ). Tỉ lệ diện tích thực tế để thực hiện dự án chỉ chiếm khoảng 25-30% diện tích khảo sát. Đây sẽ là một trong những tài liệu quý về sinh thái vùng biển Bình Thuận, không chỉ góp phần đảm bảo dự án được án toàn, hiệu quả, còn có lợi ích lâu dài đối với ngư dân và quốc phòng.Theo ông Ian Hatton - Chủ tịch Tập đoàn Enterprize Energy, ngay khi nhận được Giấy phép khảo sát chính thức, nhà đầu tư sẽ đồng thời tiến hành khảo sát và lập báo cáo bổ sung quy hoạch, lập báo cáo môi trường, báo cáo khả thi của dự án.
Giai đoạn I của dự án ThangLong Wind sẽ được hòa lưới điện vào cuối 2022, đầu 2023 với công suất 600 MW, 64 cột gió. Giai đoạn phát triển tiếp theo ThangLong Wind II, ThangLong Wind III, ThangLong Wind IV, ThangLong Wind V lần lượt đưa vào khai thác từ 2023-2026 với công suất mỗi giai đoạn 600 MW. Giai đoạn phát triển cuối là Thăng Long Wind VI với công suất 400 MW. Tổng công suất của dự án đạt khoảng 3.400 MW. Vốn đầu tư được thu xếp cho toàn bộ dự án 3.400 MW, tương ứng khoảng 11,9 tỷ USD, chưa kể phần đầu tư cho kết nối vào hệ thống điện quốc gia. PVC - MS là nhà thầu chuyên ngành xây lắp dầu khí chuyên nghiệp có tới 35 năm xây dựng và phát triển. Một số công trình tiêu biểu như chân đế Thăng Long, chân đế Sư tử Vàng Đông Bắc, chân đế và gian khoan H5 mỏ Tê Giác Trắng... |
Theo Petro Times