Các sự kiện nổi bật của Petrovietnam trong tuần từ 28/2 đến 7/3/2021
Ngày đăng: 08/03/2021

Các sự kiện nổi bật của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) trong tuần từ 28/2 đến 7/3/2021.

1. NMNĐ Sông Hậu 1 tiếp nhận những tấn than đầu tiên

Ngày 01/3/2021, tại cảng than của Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Sông Hậu 1, Ban QLDA ĐLDK Sông Hậu 1 phối hợp với Tổng thầu Lilama, đơn vị cung cấp than và các Nhà thầu phụ tiến hành tiếp nhận, bốc dỡ những tấn than đầu tiên về kho than của Nhà máy, chuẩn bị sẵn sàng cấp, vận hành chạy thử bằng than cho NMNĐ Sông Hậu 1.

TD1.jpg

NMNĐ Sông Hậu 1 tiến hành tiếp nhận, bốc dỡ những tấn than đầu tiên về kho than của Nhà máy

Trước đó, hệ thống cầu cảng của Nhà máy đã được các nhà thầu thực hiện các thử nghiệm không tải, hiệu chỉnh trước khi đưa vào vận hành. Lực lượng vận hành của Nhà máy cũng đang được các chuyên gia của nhà thầu đào tạo trong suốt quá trình vận hành thử hệ thống. Hiện tại, hệ thống đang được các chuyên gia tiếp tục kiểm tra, hiệu chỉnh để đưa vào vận hành ổn định, đáp ứng nhu cầu về than cho NMNĐ Sông Hậu 1 khi đi vào vận hành thương mại.

2. Nghiên cứu, phát triển các mỏ nhỏ, cận biên, đảm bảo sự phát triển bền vững của Petrovietnam

Ngày 2/3, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) Lê Mạnh Hùng đã chủ trì buổi làm việc đánh giá nghiên cứu, phát triển các mỏ nhỏ, cận biên. Tham dự buổi làm việc có các Phó Tổng giám đốc Phạm Tiến Dũng, Lê Xuân Huyên, Nguyễn Văn Mậu; cùng đại diện lãnh đạo các Ban chuyên môn Tập đoàn.

TD2.jpg

Toàn cảnh buổi làm việc

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Tập đoàn đã nghe đại diện Ban Khai thác Dầu khí trình bày báo cáo nghiên cứu về phát triển các mỏ nhỏ, cận biên. Báo cáo đánh giá, tổng sản lượng thu hồi kỹ thuật đối với các dự án mỏ nhỏ, cận biên vào khoảng 300 triệu thùng dầu/condensate và khoảng 100 tỷ m3 khí. Theo các điều kiện thông thường đang được áp dụng cho các dự án dầu khí hiện tại, không có dự án mỏ nhỏ, cận biên nào có thể triển khai được. Chính vì vậy, các dự án mỏ nhỏ, cận biên rất cần cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư tham gia triển khai, nhằm đảm bảo tối đa nguồn tài nguyên dầu khí có thể thu hồi, đảm bảo nguồn thu cho ngân sách. Tổ nghiên cứu cũng đưa ra các kịch bản, kiến nghị cụ thể nhằm phát triển, khai thác các dự án mỏ nhỏ, cận biên, mang lại hiệu quả cho các nhà đầu tư.

Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng khẳng định tiềm năng dầu khí cũng như cần thiết phải nghiên cứu, triển khai phát triển mỏ nhỏ, cận biên, tạo sự phát triển ổn định, bền vững của lĩnh vực E&P. Qua đó, góp phần tăng sản lượng cho Tập đoàn, tăng nguồn thu ngân sách, tránh lãng phí nguồn tài nguyên dầu khí của quốc gia, cũng như đồng bộ với xu hướng chuyển dịch năng lượng.

3. Mở rộng thị trường, tối đa giá trị các sản phẩm của Petrovietnam

Ngày 2/3 tại Hà Nội, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) Lê Mạnh Hùng chủ trì buổi làm việc về danh mục và chiến lược phát triển thị trường cho các sản phẩm của Petrovietnam.

TD3.jpg

Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng phát biểu tại buổi làm việc

Tập đoàn hiện đang có các sản phẩm chính gồm dầu thô, khí, xăng dầu các loại, phân bón, điện, xơ sợi, LPG, PP cùng các sản phẩm khác như dung dịch khoan, hoá phẩm, dịch vụ… Việc nghiên cứu, đánh giá tổng quan về các sản phẩm của Petrovietnam đã làm rõ ưu điểm, tiềm năng cũng như bất lợi của từng loại sản phẩm, từ đó đưa ra định hướng chiến lược phát triển phát triển phù hợp, hiệu quả cho từng sản phẩm. Đồng thời, báo cáo cũng đưa ra giải pháp định hướng cho việc phát triển của từng sản phẩm, dự báo phát triển của mỗi loại sản phẩm trong bối cảnh đón đầu xu hướng chuyển dịch năng lượng.

Kết luận buổi làm việc, Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh, hiện tại các sản phẩm của Petrovietnam đều là các sản phẩm truyền thống, vì vậy, cần thiết phải mở rộng lĩnh vực hoạt động và sản xuất các sản phẩm mới để phù hợp, đón đầu xu hướng chuyển dịch năng lượng. Trong thời gian tới, Petrovietnam tập trung triển khai nghiên cứu, phát triển mở rộng thị trường, tối đa giá trị các sản phẩm. Việc triển khai nghiên cứu mở rộng sản xuất kinh doanh, sản phẩm, lĩnh vực hoạt động sẽ tạo đòn bẩy cho dịch vụ phát triển, từ đó mở rộng thị phần, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của Tập đoàn trong tình hình mới.

4. BSR thử nghiệm thành công 2 loại dầu thô nhập khẩu từ châu Phi

Trong tháng 2/2021, Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã nhập và đưa vào chế biến thử nghiệm thành công 2 loại dầu thô nhập khẩu mới là Qua Iboe (Nigeria) và Cabinda (Angola), nâng tổng số loại dầu thô thay thế dầu Bạch Hổ chế biến tại NMLD Dung Quất lên đến 23 loại (trong đó có 16 loại dầu thô nhập khẩu).

TD4.jpg

Khu bể chứa dầu thô của NMLD Dung Quất

Việc chế biến thử nghiệm thành công 2 loại dầu thô mới vào đầu năm 2021 đã giúp BSR duy trì vận hành ổn định nhà máy ở công suất khá cao là 108%, cao hơn công suất dự tính ban đầu (103 - 105%) ở giai đoạn này.

Ngoài ra, theo kế hoạch trong tháng 3 và 4/2021, BSR sẽ tiếp tục chế biến thử nghiệm thêm 2 loại dầu thô mới là Sông Đốc (Việt Nam) và Sumatran Light (Minas, Indonesia) và dự kiến đầu tháng 6, BSR sẽ tiếp tục thử nghiệm thêm dầu Forcados từ Nigeria.

5. Huy động đủ nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ NMNĐ Thái Bình 2

Ngày 2/3, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo triển khai Dự án Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Thái Bình 2 tổ chức họp giao ban kiểm tra, giám sát và đôn đốc tiến độ.

TD5.jpg

Toàn cảnh cuộc họp Ban Chỉ đạo triển khai dự án NMNĐ Thái Bình 2.

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo, đại diện các ban chuyên môn Tập đoàn đã đưa ra một số đề xuất như: đàm phán online với các nhà thầu chạy thử dự án, không chờ đợi trong thời gian chuyên gia, nhà thầu phải tuân thủ quy định cách ly dịch COVID-19, cần có phương án đối với việc mời thầu nhà thầu chạy thử trong nước, xem xét về tiến độ cụ thể để tổ chức các hoạt động tạo không khí thi đua trên công trường...

Ban Chỉ đạo yêu cầu Ban QLDA và Tổng thầu PVC bám sát, tuân thủ quyết định của Thường trực Chính phủ, khẩn trương xử lý các vấn đề vướng mắc của dự án như vốn, kế hoạch điều động vốn cho các nhà thầu, tổ chức huy động các nguồn lực triển khai dự án. Trong đó, cần lập kế hoạch cụ thể các mốc tiến độ về giải ngân cùng với kế hoạch thực hiện các hạng mục công việc tại dự án chính xác nhất. Yêu cầu Tổng thầu PVC khẩn trương huy động đủ nhân lực, vật tư để đẩy nhanh tiến độ các hạng mục còn dang dở. Đồng thời Ban QLDA khẩn trương triển khai kế hoạch thực hiện mời thầu các hạng mục Tổng thầu PVC không đủ điền kiện hoàn thành tại dự án.

6. Về Quy chế tài chính của Petrovietnam, Thủ tướng: Nếu không có cơ chế tốt thì khó có thể phát triển bền vững

Sáng 3-3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định 50/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng về Quy chế xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) và dự thảo Nghị định về quy chế tài chính của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (Petrovietnam).

TD6.jpg

Toàn cảnh Phiên họp Thường trực Chính phủ ngày 3/3. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự thảo Nghị định liên quan đến quy chế tài chính đối với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam), doanh nghiệp đóng góp 83 nghìn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vai trò, vị thế của ngành dầu khí Việt Nam đối với sự phát triển của đất nước, không chỉ về kinh tế mà cả quốc phòng, an ninh. Do đó, tinh thần là tạo điều kiện thuận lợi cho ngành phát triển, nhất là phát triển khâu thượng nguồn (tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí) cùng với giải quyết tốt những vấn đề ở khâu hạ nguồn (sản phẩm phân bón, điện…) để nâng cao hiệu quả của Petrovietnam trước mắt và lâu dài.

Thủ tướng nêu rõ, dưới sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Công Thương, thời gian qua, toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức của Petrovietnam đã phấn đấu không mệt mỏi, đưa Tập đoàn phát triển ổn định. Nếu không có cơ chế tốt thì khó có thể phát triển bền vững, Thủ tướng nêu rõ, các cơ chế phải tuân thủ theo Luật Dầu khí và các quy định khác.

7. Công tác quản trị danh mục đầu tư của Petrovietnam đã có sự chuyển biến tích cực

Ngày 3/3, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) Lê Mạnh Hùng đã chủ trì buổi làm việc, nghe báo cáo về việc cập nhật danh mục đầu tư và quản trị danh mục đầu tư của Tập đoàn.

TD7.jpg

Qua quá trình triển khai, công tác quản trị danh mục đầu tư của Tập đoàn và các đơn vị thành viên đã nhận được một số kết quả khả quan. Công tác đánh giá dự án, cơ hội đầu tư ở Tập đoàn đã được thực hiện có chất lượng và hệ thống hơn trước, hướng tới mục tiêu quản trị danh mục đầu tư trong Tập đoàn. Các ban chuyên môn đã làm việc với các đơn vị về cách đánh giá và tiêu chí đánh giá dự án theo quan điểm quản lý lĩnh vực và phân tích những điểm khác biệt giữa đánh giá của Tập đoàn và từng đơn vị.

Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng đánh giá cao kết quả việc triển khai quản trị danh mục đầu tư ở Tập đoàn cũng như ở các đơn vị thành viên trong thời gian qua đã có sự chuyển biến tích cực, bước đầu đã ghi nhận kết quả khả quan. Trên cơ sở những kết quả đã đạt được và kế hoạch sắp tới, lãnh đạo Tập đoàn yêu cầu Ban Kinh tế Đầu tư tiếp tục rà soát về mô hình quản trị danh mục đầu tư ở Tập đoàn và ở các đơn vị. Đồng thời, cập nhật, điều chỉnh các quy định về quản trị danh mục đầu tư để cùng phối hợp triển khai hiệu quả, đồng bộ việc quản trị danh mục đầu tư ở Công ty Mẹ Tập đoàn và các đơn vị.

8. Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng làm việc với PVcomBank

Ngày 3/3, tại Hà Nội, đồng chí Hoàng Quốc Vượng - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã chủ trì buổi làm việc với Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank).

TD-8.jpg

Toàn cảnh buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những nỗ lực, cố gắng của tập thể lãnh đạo, cán bộ, người lao động PVcomBank đã vượt khó khăn, hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh năm 2020, đóng góp vào thành tích chung của Tập đoàn.

Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng cũng đề nghị PVcomBank cần xây dựng trở thành ngân hàng có chỉ số tín nhiệm cao, đến năm 2030 lọt vào Top 15 về quy mô và hiệu quả các Ngân hàng cổ phần thương mại Việt Nam; có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước; cần kiện toàn công tác cán bộ, tổ chức nhân sự tại PVcomBank; tiếp tục tăng cường công tác quản trị doanh nghiệp, nâng cao quản trị tài chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả hoạt động trở thành ngân hàng số, chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng với các sản phẩm, dịch vụ và hoạt động số hóa trên các kênh ngân hàng điện tử của PVcomBank... Chủ tịch HĐTV Petrovietnam tin rằng, với sự đồng lòng, đoàn kết của tập thể cán bộ công nhân viên trong thời gian tới, PVcomBank tiếp tục phát triển và sẽ trở thành ngân hàng thương mại hàng đầu của Việt Nam.

9. Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng kêu gọi toàn thể người lao động Dầu khí tham gia hiến máu

Ngày 4/3 tại trụ sở Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam), Đoàn Thanh niên, Công đoàn, Hội Cựu chiến binh Cơ quan Tập đoàn phối hợp tổ chức chương trình hiến máu nhân đạo năm 2021 với chủ đề “Nhiệt huyết người Dầu khí”. Đây là hoạt động mở đầu chuỗi chương trình hiến máu nhân đạo “Nhiệt huyết người Dầu khí” do Đoàn Thanh niên Tập đoàn phối hợp cùng các đơn vị tổ chức trong toàn Tập đoàn.

TD-9.jpg

Các đồng chí lãnh đạo tặng hoa cán bộ, công nhân viên, đoàn viên thanh niên tham gia hiến máu

Phát biểu khai mạc chương trình, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh đây là hoạt động nhân đạo với trách nhiệm cộng đồng, thể hiện nét văn hoá của người Dầu khí. Bên cạnh đó, đây cũng là hoạt động rất ý nghĩa trong tháng 3 - Tháng Thanh niên năm 2021, thiết thực kỷ niệm 90 năm Ngày Thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2021). Nhân dịp này, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng kêu gọi toàn thể người lao động dầu khí tích cực tham gia hiến máu nhân đạo.

Thay mặt lãnh đạo Tập đoàn, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng cảm ơn tình cảm, trách nhiệm của cán bộ, nhân viên, người lao động toàn Tập đoàn đã hưởng ứng tham gia chương trình và Viện Huyết học Truyền máu Trung ương đã phối hợp để tổ chức chương trình hết sức ý nghĩa này. Đồng thời, lãnh đạo Tập đoàn biểu dương Đoàn thanh niên Tập đoàn, các đoàn thể Cơ quan Tập đoàn đã kịp thời triển khai chuỗi hoạt động ý nghĩa này.

10. Petrovietnam: Giải pháp kịp thời, nhập cuộc nhanh, tận dụng tốt cơ hội, hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu kế hoạch quan trọng trong 2 tháng đầu năm 2021

2 tháng đầu năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tiếp tục hoành hành và thời gian nghỉ Tết dài nhất trong năm, song với sự nhập cuộc nhanh, tận dụng tốt cơ hội thị trường, triển khai kịp thời và hiệu quả các giải pháp ứng phó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) duy trì ổn định, đảm bảo an toàn mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) trên tất cả các dự án, công trình, nhà máy và đã hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

TD-10.jpg

Giàn PVD III thực hiện chiến dịch khoan biển tại Camphuchia

Trong 2 tháng đầu năm 2021, Petrovietnam đã thực hiện cơ bản các chỉ tiêu sản xuất quan trọng như: Tổng sản lượng khai thác quy dầu lũy kế 2 tháng đạt 3,07 triệu tấn; sản xuất điện lũy kế 2 tháng đạt 2,90 tỷ kWh; sản xuất đạm lũy kế 2 tháng đạt 272,7 nghìn tấn; sản xuất xăng dầu toàn Tập đoàn lũy kế 2 tháng là 1,1 triệu tấn, đạt 107% kế hoạch 2 tháng. Các chỉ tiêu tài chính hợp nhất toàn Tập đoàn tháng 2 và 2 tháng đầu năm đều vượt và vượt cao so với kế hoạch đề ra: Doanh thu toàn Tập đoàn lũy kế 02 tháng đầu năm là 94,5 nghìn tỷ, đạt 101% kế hoạch 2 tháng; nộp Ngân sách Nhà nước lũy kế 02 tháng đầu năm 2021 là 11,44 nghìn tỷ, đạt 109% kế hoạch 02 tháng.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ tháng 3, cũng như quý I/2021, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng yêu cầu cập nhật, điều chỉnh, quản trị kế hoạch, tập trung hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đề ra ở mức cao nhất; Tiếp tục cập nhật những giải pháp đi cùng với thực hiện kế hoạch; Tập trung quản trị những yếu tố thay đổi như: giá, tỷ giá, tín dụng,… của nền kinh tế và thị trường để mở rộng thị trường cho các sản phẩm, dịch vụ chủ lực của Tập đoàn; Đẩy mạnh quản trị danh mục đầu tư, các dự án đầu tư, cùng với liên kết đầu tư trong Tập đoàn để tận dụng nguồn lực các đơn vị; Tập trung vấn đề chuyên môn, kỹ thuật, đảm bảo công tác vận hành, bảo dưỡng sửa chữa, đảm bảo các công trình, nhà máy vận hành ổn định, hiệu suất cao, tránh những sự cố kỹ thuật; Tiếp tục tập trung quản trị chi phí và giá thành; Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;.... Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng yêu cầu các Ban chuyên môn Tập đoàn rà soát, tập hợp vướng mắc, kiến nghị của các đơn vị, đồng thời theo dõi kế hoạch, tiến độ xử lý, đảm bảo hiệu quả trong giải quyết khó khăn của các đơn vị.

11. BIENDONG POC cán mốc 23 triệu thùng condensate, đem về 1,4 tỷ USD cho Tổ quốc

Vượt qua 1 năm nhiều biến động, khó khăn và thách thức, Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (BIENDONG POC) đã đạt được nhiều cột mốc đáng tự hào.

TD-11.jpg

Cột mốc mới nhất là 0h ngày 4/3/2020, công ty đánh dấu việc khai thác thùng condensate thứ 23 triệu, đem về cho đất nước 1,4 tỷ USD (chưa tính giá trị khai thác khí). Trước đó, BIENDONG POC đã cán mốc 20 triệu thùng condensate vào ngày 20/12/2019. Theo thông tin từ BIENDONG POC, kể từ ngày khai thác dòng khí thương mại đầu tiên (6/9/2013) cho đến hết tháng 2/2020, công ty đạt 3,75 tỷ USD doanh thu trong khi tổng số tiền đầu tư cho toàn bộ dự án khí ở cụm mỏ Hải Thạch – Mộc Tinh là 3,55 tỷ USD. Trong đó có 1,4 tỷ USD từ khai thác condensate.

​Theo Petrotimes
Bài viết liên quan

Quốc tế phụ nữ 8/3 - Phụ nữ là để yêu thương

Lễ ra quân đầu năm Giáp Thìn 2024 khởi đầu khí thế, quyết tâm hoàn thành mục tiêu

Thư chúc Tết 2024

Tết sum vầy PVC-MS - Ấm áp tình người dầu khí

Công đoàn PETROCONs tổ chức "Xuân nghĩa tình Dầu khí - Tết ấm áp, sẻ chia" cho người lao động khu vực phía Nam

Nhiệt huyết người dầu khí: cho đi là còn mãi

Các sự kiện nổi bật của Petrovietnam trong tuần 20-26/1/2024

PVC-MS tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai kế hoạch năm 2024 và Hội nghị người lao động năm 2024

Bán thanh lý 19 Container Văn phòng hư hỏng

Lễ ghi nhận 1.500.000 giờ làm việc an toàn của Dự án phát triển Mỏ Đại Hùng Phase 3